Bấm vào hình để xem kích thước thật

Đã có phương pháp điều trị mới ít xâm lấn cho bệnh trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em

Ngày đăng:  05/11/2010

 
Lượt xem: 8574

Khoảng 1% trẻ em trên thế giới có bệnh trào ngược bàng quang niệu quản(TNBQNQ), bệnh có khuynh hướng trong gia đình, nếu cha hoặc mẹ có bệnh thì khoảng một nữa số con của họ mắc bệnh.

Bình thường thì nước tiểu được bài tiết ra từ thận sẽ theo hai niệu quản đổ vào bàng quang theo một chiều duy nhất. Tuy nhiên trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên lại niệu quản là một bệnh lý chỉ xảy ra khi đoạn cuối niệu quản đổ vào bàng quang quá ngắn hay vị trí đổ bất thường. Điều này có thể xảy ra ở một hay hai niệu quản.

Bệnh thường biểu hiện ở 2 nhóm: nhóm 1 có chẩn đoán trước sanh ứ nước thận niệu quản và xét nghiệm sau sanh phát hiện có TNBQNQ, nhóm này thường được tiên lượng tốt vì phát hiện sớm; nhóm 2 thường phát hiện trễ hơn qua các đợt nhiễm trùng tiểu.

TNBQNQ có thể xảy ra ở trẻ nhỏ sau sinh do sự phát triển chưa hoàn chỉnh về giải phẫu nên nó có thể tự hết khi trẻ lớn dần.
Khi xảy ra TNBQNQ có nguy cơ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho chức năng thận. Nước tiểu từ bàng quang thay vì được tống xuất ra ngoài mang theo vi trùng trào ngược lên niệu quản và sau đó sẽ lên thận gây nhiễm trùng trong thận. Mỗi đợt nhiễm trùng như vậy sẽ gây những vết sẹo trong thận, những vùng sẹo này hoàn toàn xơ hóa không có khả năng lọc máu và tất nhiên chức năng thận sẽ giảm. Nguy cơ hủy hoại chức năng thận trầm trọng nhất thường xảy ra vào sáu năm đầu đời của trẻ với bệnh cảnh này. Bảng nguy cơ tăng dần sẹo thận tương ứng với những đợt nhiễm trùng tiểu như sau:



(Risk of renal scarring: Nguy cơ sẹo thận; Number of UTIs: số lần nhiễm trùng tiểu. Nguy cơ sẹo thận tăng nhanh với từng lần nhiễm trùng tiểu như lần NNT thứ 1 sẹo thận là 5%, lần thứ 2 là 10%......lần thứ 5 là 59%)

Một xét nghiệm chuyên biệt về hệ niệu sẽ giúp chúng ta đánh giá mức độ nặng nhẹ của trào ngược, từ độ 1 (nhẹ) đến độ 5(nặng).
 
Khi đã có chẩn đoán TNBQNQ, việc điều trị được đặt ra hết sức quan trọng nhằm phòng ngừa nhiễm trùng để ảnh hưởng chức năng thận. Trước đây trên thế giới cũng như tại Việt nam chỉ có 2 giải pháp điều trị:
  1. Kháng sinh dự phòng: thông thường được sử dụng cho những độ nhẹ, hoặc trẻ quá nhỏ nhằm phòng ngừa nhiễm trùng cho tới khi TNBQNQ tự hết. Cách điều trị này có thể kéo dài nhiều năm và trẻ phải uống thuốc mỗi ngày. Bên cạnh đó trẻ luôn được theo dõi sát, tái khám định kì để chụp hình kiểm tra độ trào ngược. Tuy nhiên, điều trị dài ngày với kháng sinh có thể gây nên tình trạng kháng thuốc và điều này lại dẫn tới nhiễm trùng nhiều hơn.
  2. Phẫu thuật: áp dụng cho độ nặng hoặc thất bại với điều trị kháng sinh dự phòng. Phẫu thuật giúp ngăn được trào ngược. Tuy nhiên phẫu thuật cắm lại niệu quản là một phẫu thuật lớn, thời gian mổ kéo dài, bệnh nhi phải trải qua đau đớn, nằm viện dài ngày, tối thiểu là 7 – 10 ngày và chưa kể rất có nhiều biến chứng xảy ra sau mổ.
Hội nghị Niệu Nhi Châu Âu lần thứ 8 tại Paris đã tổng kết lại sau vài năm áp dụng một phương pháp điều trị mới và rất hiệu quả, bệnh nhi chỉ nhập viện điều trị và về trong ngày, hầu như không đau đớn sau điều trị, đó là phương pháp nội soi đường tiểu để chích một loại chất gel làm hẹp miệng niệu quản trong bàng quang, giúp nước tiểu không thể trào ngược từ bàng quang lên niệu quản. Chất gel này chứa 2 loại mô polysaccharides rất thân thiện là dextranomere và acid hyaluronique, vô khuẩn và có độ nhớt cao. Acid hyaluronique phân hủy một cách tự nhiên và được thay thế dần bởi chất liệu của cơ thể, trong khi đó dextranomer thì khong thay đổi. Thời gian thủ thuật rất ngắn khoảng 10 phút.
Theo báo cáo của các nghiên cứu thì thủ thuật chích nội soi này so với phương pháp điều trị kháng sinh dự phòng có khả năng bảo vệ gấp 4 lần nguy cơ nhiễm trùng tiểu; và kết quả tương đương so với phẫu thuật mổ.
Đây là một phương pháp hoàn toàn có thể áp dụng được tại Việt Nam

(Hội nghị Niệu nhi Châu Âu -ESPU lần thứ 8,tháng 10/2010, Paris,Pháp)

 

 

Đăng bởi: Ths.Bs.Phạm Ngọc Thạch ( Hiện đang học tại Brussels - Bỉ)

[Trở về]

Các tin khác