Bấm vào hình để xem kích thước thật

Vật lý trị liệu trong điều trị vẹo cổ bẩm sinh do tật cơ

Ngày đăng:  22/08/2011

 
Lượt xem: 97920

Vẹo cổ bẩm sinh do tật cơ (VCBSDTC) hay còn gọi là u cơ ức đòn chũm (Congenital muscular torticolli), là một trong những tật về cơ quan vận động thường gặp ở trẻ sơ sinh.Nguyên nhân chưa rõ ràng,nhưng thường do tư thế xấu trong tử cung (ở trẻ sanh ngôi mông,dây nhau choàng cổ..) dẫn đến mạch máu nuôi cơ bị chèn ép làm cho cơ ức đòn chũm bị xơ hoá  hoặc trong các trường hợp sanh khó ,mạch máu trong cơ bị đứt gây chảy máu , từ cục máu đông bị xơ hoá làm co rút nhóm cơ này.

 Về lâm sàng, trẻ bị u cơ ức đòn chũm có khối u cơ hình quả trám cứng,co rút, không đau tại vị trí của cơ ức đòn chũm (cần phân biệt với hạch cổ đau do viêm nhiễm); đầu nghiêng về một phía và mặt nghiêng về phía đối diện, có thể kèm theo mặt lép, đầu méo, về lâu dài có thể bị vẹo cột sống nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.

 Đa số các trường hợp VCBSDTC  là bé trai và thường gặp u cơ bên phải , đôi khi kèm theo trật khớp háng bẩm sinh ( 8 % ).

Nếu được phát hiện sớm ( lúc trẻ dưới 2 tháng tuổi ), tập Vật Lý Trị Liệu sớm ,liên tục và đúng cách khối u cơ sẽ mất, tầm vận động nghiêng và xoay cổ trở lại bình thường.Theo một số đề tài nghiên cứu ,thời gian tốt nhất để bắt đầu tập Vật Lý Trị Liệu vào lúc trẻ dưới 1 tháng tuổi.

Trong trường hợp phát hiện trễ hoặc tập không liên tục, cơ sẽ bị co rút, do vậy cần phẫu thuật để kéo dài cơ,sau đó vẫn tiếp tục tập Vật Lý Trị Liệu để duy trì độ dài cơ làm cho cuộc điều trị tốn kém và lâu dài nhưng đôi khi kết quả không thành công hoàn toàn.

Tại khoa Vật Lý Trị Liệu bệnh viện Nhi Đồng 2, các bài tập cho trẻ bị VCBSDTC được tiến hành như sau:

©       Phòng tập yên tĩnh ,tập khi bé ngũ, không xoa bóp lên khối u cơ; tập chậm ,nhẹ nhàng.

©       Tập mỗi ngày,20-30 phút/lần có thể tập nhiều lần trong ngày.

©       Người tập ngồi trên ghế, đặt trẻ nằm lên đùi, đầu bé hướng ra đầu gối của người tập,một tay giữ vai phía có khối u cơ của bé ,tay kia đỡ phía sau đầu và kéo dãn cơ ức đòn chũm bằng động tác nghiêng và xoay cổ (ví dụ trẻ có khối u cơ bên phải, ta sẽ kéo cổ nghiêng về bên trái và xoay mặt về bên phải ).Sau mỗi động tác xoay và nghiêng cổ, giữ lại vài giây

©       Đặt bé nằm sấp ,mặt xoay về phía khối u cơ  để chỉnh động tác xoay cổ(cần chú ý vấn đề hô hấp)

©       Đặt bé nằm nghiêng với gối kê cao, khối u cơ hướng xuống mặt giường để chỉnh động tác nghiêng cổ.

©       Khi bé nằm ngữa, cho bé xoay mặt về phía khối u cơ để chỉnh động tác xoay cổ.

©       Khi bé có khả năng nhìn và giữ cổ, ta dùng ánh sáng ,tiếng động (đồ chơi) để kích thích trẻ chủ  động xoay cổ về phía khối u cơ.

©       Khi bế bé, ta áp lưng bé vào bụng người tập, một tay ngưới tập luồn qua giữa 2 chân bé và giữ chặt vai phía có khối u cơ,tay kia đở một bên đầu của trẻ kéo nghiêng cổ.

    Vẹo cổ bẩm sinh do tật cơ là một tật về cơ quan vận động làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng  của trẻ nhưng trẻ có thể tránh được dị tật nếu được phát hiện sớm và tập Vật Lý Trị Liệu sớm,kiên trì và đúng cách. Cần có sự hợp tác giữa gia đình ,bác  sĩ và chuyên viên Vật Lý Trị Liệu để cuộc điều trị đạt kết quả tốt hơn.

 

                                                                
                                Cách nằm sắp                               Cách bế bé

 

 

Phương pháp tập cho trẻ có khối u cơ bên phải
     

Đăng bởi: CN.VLTL.Lê Thị Đào

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021