Bấm vào hình để xem kích thước thật

Thần đồng hay rối loạn phát triển (RỐI LOẠN ASPERGER)

Ngày đăng:  09/05/2009

 
Lượt xem: 13885

 

1. Rối loạn ASPERGER là gì?

Rối loạn ASPERGER là một rối loạn phát triển lan tỏa (rối loạn phổ tự kỷ), thuộc dạng nhẹ và có khả năng sinh hoạt cao nhất. Trẻ có những rối loạn phát triển trong các lĩnh vực: xã hội, kỹ năng giao tiếp, cảm xúc và hành vi. Rối loạn Asperger có thể xuất hiện lứa tuổi 2-3 tuổi và có thể sẽ tồn tại suốt cuộc đời của trẻ.

Rối loạn Asperger được ghi nhận vào năm 1944 bởi một bác sĩ Nhi khoa người Áo tên là Hans Asperger. Từ đó, có rất nhiều tác giả đã mô tả rối loạn này, và người ta cũng đã ghi nhận, tỷ lệ mắc khá cao. Nó chiếm tỷ lệ khoảng 20-25/10 000 trẻ, thường gặp nhiều ở trẻ nam.

   Trẻ với rối loạn Asperger có nhiều hành vi giống trẻ tự kỷ, nhưng trẻ có những kỹ năng nhận thức, tương tác xã hội cũng như kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.

2. Một vài đặc điểm của chứng Asperger

 

 

-        Khó khăn trong việc tạo các mối quan hệ bạn bè cùng trang lứa.

-        Thích chơi với những trẻ lớn tuổi hơn.

-        Khó khăn trong việc hiểu các luật chơi khi chơi với bạn.

-        Có thể chậm nói

-        Trẻ có nhiều vốn từ nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp.

-        Trẻ thường hiểu một câu nói theo đúng một nghĩa đen.

-        Thường học thuộc lòng nhiều hơn là tìm hiểu ý nghĩa.

-        Có những câu nói nghe rất ngây thơ.

-        Đôi khi trẻ thích nói một mình

-        Thường hay lặp lại một câu hỏi hay một lời nói nào đó…

-        Khó khăn trong việc sử dụng cử chỉ để diễn đạt (nét mặt, điệu bộ, dáng điệu…)

-        Có những thói quen và trẻ luôn luôn tuân thủ

-        Bắt buộc các thành viên trong gia đình phải theo một quy luật nào đó.

-        Rất nhạy cảm khi bị người khác phê bình.

-        Có những sở thích rất đặc biệt và thường tập trung say mê vào các sở thích đó.

-        Chỉ biết đến sở thích của chính mình, ít quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.

-        Khả năng chú ý rất cao lĩnh vực nào đó như: toán học, đọc sách, nghiên cứu về xe hơi, máy vi tính, đồ điện tử…

-        Có những cử chỉ rất vụng về và đôi khi trẻ tỏ ra rất bối rối khi có một sự thay đổi nào đó.

-        Giao tiếp bằng mắt kém: tránh nhìn vào mắt của người khác, thường trẻ chỉ liếc nhìn sau đó nhìn về hướng khác, đôi lúc trẻ có cái nhìn chằm chằm.

-        Rối loạn cảm nhận của giác quan: trẻ có thể thích thú khi nhìn thấy một hình ảnh, nghe một âm thanh (hoặc rất sợ hãi và phản ứng rất dữ dội với những hình ảnh hoặc âm thanh nào đó). Trẻ có thể thích thú đặc biệt đến một món ăn nào đó hoặc từ chối không ăn.

-        Thường xuất hiện ở trẻ nam, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở trẻ gái. Khi đó, những trẻ gái này có khả năng rất cao trong việc học tập và sao chép các kỹ năng xã hội.

 

3. Nguyên nhân

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây nên chứng Asperger. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu thấy rằng, có sự tác động giữa các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Có những giả thuyết cho rằng có thể có sự thay đổi nào đó trong quá trình phát triển não bộ của trẻ. Không tìm thấy bằng chứng có liên quan đến các phương pháp giáo dục nuôi dạy trẻ.

 

4. Chẩn đoán

Chứng Asperger thay đổi rất rộng, các cá thể khác nhau thì có những biểu hiện khác nhau, nên việc chẩn đoán đôi khi gặp nhiều khó khăn. Trẻ Asperger thường được chẩn đoán muộn do biểu hiện triệu chứng không rõ ràng ngay từ nhỏ. Đôi khi khó phân biệt với trẻ phát triển bình thường có vài đặc điểm rối loạn. Phụ huynh của trẻ rối loạn Asperger thường rất tự hào về khả năng đặc biệt của con mình, ít chú ý đến những khiếm khuyết mà trẻ đang mắc phải. Hội chứng này thường được chẩn đoán sau khi trẻ khá lớn và bắt đầu có những khó khăn trong giao tiếp.

Chẩn đoán bệnh thường dựa vào các biểu hiện của trẻ ở nhà, nhà trường và nơi khám bệnh. Trẻ phải được sự thăm khám, quan sát và làm các test chẩn đoán của các nhà chuyên môn. Đặc biệt là phải có thời gian dài theo dõi để có thể đưa ra một chẩn đoán chính xác. Chính vì vậy, khi chúng ta nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường không giống với những đứa trẻ cùng trang lứa thì cha mẹ nên cho trẻ đến khám tâm lý sớm hơn để trẻ có thể được can thiệp sớm hơn. Điểu này có thể giúp ít nhiều cho chính bản thân trẻ. Giúp trẻ phát huy tốt những khả năng đặc biệt của mình và hạn chế tối đa những khiếm khuyết.

5. Khả năng của trẻ Asperger.

Những đứa trẻ Asperger có những sở thích rất tiêu biểu và độc đáo, không giống với những trẻ tự kỷ điển hình là thích một đồ vật hay một bộ phận của đồ vật (thích bánh xe quay, thích những vật có khả năng xoay tròn, thích xem quảng cáo…). Những trẻ em rối loạn Asperger thường có những sở thích rất đặc biệt về mặt tri thức. Ngay từ trước khi đi học, trẻ có những sở thích rất đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó như: toán học, khoa học, vật lý, khả năng đọc sách, khả năng học thuộc lòng bài thơ, một câu chuyện, nghiên cứu về lịch sử, địa lý, phương tiện giao thông, các loại máy móc, đồ điện tử hay khả năng về tin học, khả năng của trẻ rất vượt trội so với những trẻ cùng lứa tuổi khác. Trẻ Asperger có trí nhớ rất phi thường, khả năng tự tìm tòi học hỏi nghiên cứu những lĩnh vực mà trẻ thích thú. Nhiều trẻ sẽ thay đổi sở thích khi lớn lên, nhưng cũng có những trẻ vẫn giữ nguyên một sở thích nào đó cho đến khi tuổi trưởng thành. Nếu trẻ sống trong môi trường được nâng đỡ hoàn toàn và có những biện pháp can thiệp giáo dục phù hợp thì trẻ sẽ học hành rất tốt và hoàn toàn có khả năng trở thành những chuyên gia hàng đầu về những lĩnh vực mà trẻ đặc biệt yêu thích.

6. Điều trị

Hiện nay vẫn chưa có một phương pháp điều trị hữu hiệu nào. Trẻ Asperger sẽ trưởng thành là người lớn với chứng Asperger. Tuy nhiên việc xác định bệnh là rất cần thiết để có thể có các phương pháp can thiệp tâm lý cũng như các phương pháp giáo dục phù hợp với sự phát triển. Làm sao cho trẻ thích nghi với môi trường sinh hoạt cộng đồng, học tập tốt hơn, cũng như giúp trẻ phát huy được năng lực những của bản thân.

Có rất nhiều phương cách để tiếp cận, trị liệu và can thiệp. Chúng có thể giúp cải thiện tốt hơn chất lượng sống cho cá nhân trẻ.

Đăng bởi: Bs Đặng Ngọc Thạch - Khoa Tâm lý Trẻ em Bệnh viện Nhi Đồng 2

[Trở về]

Các tin khác