CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM TRONG NHỮNG NGÀY TẾT - CÁCH XỬ TRÍ VÀ PHÒNG NGỪA (Phần 2)
Ngày đăng: 26/01/2009
Lượt xem: 9199
Do tiết trời ẩm và không khí lạnh, trẻ em dễ bị cảm lạnh hoặc cúm, hoặc nặng sẽ dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản, lên cơn hen suyễn... Ngày Tết, thời tiết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta thường lạnh, thậm chí có nơi còn có mưa phùn. Các hoạt động du xuân và chúc Tết họ hàng sẽ khiến các bé phải đi lại và di chuyển thường xuyên ngoài đường do đó cơ thể sẽ rất dễ bị nhiễm sương, không tốt cho sức khỏe của trẻ em. Bên cạnh đó, mọi ăn uống sinh hoạt của trẻ còn bị thay đổi cho phù hợp với các hoạt động của gia đình. Do đó, có không ít trẻ nhập viện vì nhiễm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp cấp. Triệu chứng hay gặp nhất là bé hắt hơi, sổ mũi, họng bị viêm tấy đỏ... Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày ngày nếu bớt tiếp xúc với không khí lạnh. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài thì cũng có nguy cơ bị bội nhiễm với vi trùng dẫn đến viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản hay viêm xoang cần phải được các Bác sĩ điều trị bằng kháng sinh. Khi bị cảm lạnh nên giữ ấm cho trẻ, bổ sung thêm vitamin C, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người hoặc khu vực ô nhiễm, khói bụi, và cho trẻ đi khám ngay nếu có dấu hiệu sốt cao, khó thở, ho nhiều, khò khè. Phòng ngừa: cần chú ý giữ ấm cho trẻ khi có việc phải đi ra ngoài. Không cho trẻ ra khỏi nhà khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Cần giữ ấm thân thể cho trẻ, nên che khẩu trang và choàng khăn cho trẻ khi đi ra ngoài, nhất là phần cổ, ngực, chân tay, không dùng chung khăn mặt với người khác, che miệng khi ho và hắt hơi.. Không cho trẻ ra đường khi quá sớm và về nhà quá trễ vì dễ bị nhiễm lạnh do sương.
Với những trẻ có cơ địa hen suyễn, thời tiết lạnh giá mùa Tết là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen suyễn “hoành hành”. Để phòng ngừa căn bệnh này cho trẻ, hãy tuân thủ theo các nguyên tắc dưới đây: tránh xa khói thuốc lá, hạn chế cho trẻ đi ra ngoài khi thời tiết trở lạnh, sương, gió hay mưa, không nên ngủ chung với chó hoặc mèo, tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, dâu tây, trứng, dùng kháng sinh không đúng cách và không phù hợp sẽ khiến cho tình trạng của bệnh sẽ ngày càng trở nên xấu hơn, tránh xa những loại thức ăn có chứa phẩm màu.
Dị vật đường hô hấp: các loại thức ăn bày biện nhiều màu sắc như mức tết, hạt dưa hấu, hạt bí, hạt đậu phộng…rất hấp dẫn trẻ, có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tắt nghẽn đường hô hấp khi vô tình rơi vào đường hô hấp của trẻ. Dị vật đường hô hấp thường gặp ở trẻ lứa tuổi ăn dặm đến khoảng 3 tuổi, ở lứa tuổi này trẻ thường hay tò mò. Thấy người lớn cắn hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, hướng dương, đậu phộng... trẻ cũng tò mò bắt chước theo, thích nhét các loại đồ vật lạ vào miệng hoặc mũi. Ngoài ra, đồng tiền xu, đồ chơi có kích thước nhỏ cũng là một trong những thứ có thể khiến bé bị hóc dị vật. Do phản xạ đóng, mở thanh quản để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị dị vật xâm nhập vào đường thở, gây khó thở đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là tử vong. Triệu chứng và hướng xử trí: dị vật đường thở cần được cấp cứu ngay vì có thể dẫn đến tử vong do ngạt hoặc viêm phổi kéo dài nếu dị vật bị bỏ sót. Thông thường, trẻ sẽ bị ho sặc sụa một cách đột ngột, khó thở, mặt tím tái, trợn mắt sau đó ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp. Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, tiếng thở của trẻ thường hay rít có kèm những cơn ho rũ rượi, mặt đỏ bừng. Vì vậy, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám và gắp dị vật ra. Nếu thấy trẻ khó thở nặng, tím tái, hãy áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực để giúp trẻ không bị ngạt thở,
sau đó cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Phụ huynh nên chú ý hơn đến sinh hoạt, vui chơi của trẻ trong những ngày Tết là cách phòng ngừa dị vật đường hô hấp cho trẻ thiết thực nhất. Phòng ngừa: không cho trẻ ăn các loại hạt trên và trái cây khi chưa lấy hạt. Để những hạt này cách xa tầm nhìn, tầm với của trẻ. Nên có một dụng cụ đựng vỏ các loại hạt, tránh vứt lung tung trên sàn nhà vì trẻ cũng có thể nhặt lên bỏ vào miệng. Nếu thấy trẻ cho những thứ trên vào miệng thì nên nhẹ nhàng lấy lại, không la hét khiến trẻ hoảng sợ có thể nuốt vào gây tắc đường thở (Còn tiếp).
Đăng bởi: BS CKII. TRỊNH HỮU TÙNG - PHÓ TRƯỞNG PHÒNG KHTH
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021