Bấm vào hình để xem kích thước thật

Điều trị trật khớp háng

Ngày đăng:  03/02/2013

 
Lượt xem: 17544

Câu hỏi:

Tôi tên là Đào Duy Tân-giáo viên-Cam Ranh. Tôi có đứa con trai gần 20 tháng. Tôi phát hiện con tôi có chân cao chân thấp. Tôi muốn hỏi trường hợp của cháu ở bệnh viện có khoa chuyên về bệnh của cháu không? Nếu điều trị sẽ mất thời gian bao lâu và chí phí khoản bao nhiêu?
Gia đình tôi đang rất lo lắng, nhất là vợ tôi. Rất mong nhận được phản hồi sớm từ bệnh viện. Tôi dự tính mồng 5 Tết sẽ vào khám cho cháu.
Năm mới sắp đến, kính chúc mọi người công tác tại bệnh viên Nhi Đồng 2 một năm mới AN KHANG HẠNH PHÚC.
 

Trả lời:

Anh Tân thân mến,


Anh nhận thấy con anh có chân cao chân thấp là 1 nhận xét rất đáng lưu ý vì đó có thể là biểu hiện của bệnh trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi chiếm 1.5 - 10/1000 trẻ sinh ra sống. Đây là một bệnh lý được ghi nhận từ rất lâu nhưng vẫn còn là đề tài thời sự trong các hội nghị y khoa thế giới, thu hút các nhà chỉnh hình nhi. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau hoàn toàn về bệnh sinh, giải phẫu bệnh học và cách thức điều trị. Thậm chí tên gọi cũng có nhiều biến đổi theo thời gian; hiện nay bệnh lý này thường được xếp vào nhóm loạn sản khớp háng do rối loạn phát triển (Developmental Dysplasia of the Hip).

Bệnh lý này liên quan tới nhiều yếu tố. Tỷ lệ bệnh mới của trật khớp háng bẩm sinh thay đổi tùy theo quốc gia, theo vùng, màu da và tác giả nghiên cứu. Yếu tố của gia đình cũng được nhắc đến bao gồm cả yếu tố về phía mẹ (tuổi, tình trạng thai kỳ…) và yếu tố con người (giới, ngôi thai, trọng lượng thai nhi…)

Trật khớp háng ở trẻ em không điều trị sẽ để lại những di chứng hết sức nặng nề cho bản thân trẻ (đau, thoái hóa khớp, hư khớp, mất thẩm mỹ dáng đi…) cũng như gia đình và xã hội (giảm khả năng vận động, lao động…); nếu phát hiện trễ thì công tác điều trị hết sức tốn kém và phức tạp.


Trật khớp háng là một bệnh lý bẩm sinh điều trị tùy theo lứa tuổi. Dưới 6 tháng, thông thường bé sẽ được đeo nẹp đặc biệt gọi là Paplik để nắn trật lại khớp háng cho bé. Trên 6 tháng, tùy theo tình trạng trật khớp háng của bé mà bác sĩ sẽ xử trí bằng cách bó bột hoặc phẫu thuật. Do đó, Chị nên cho bé đến khám Phòng khám chỉnh hình vào thứ ba hàng tuần từ 13g30 để được các  bác sĩ tư vấn rõ hơn phương thức điều trị. Về chi phí nếu bé có bảo hiểm thì sẽ được thanh toán theo chế độ bảo hiểm.

Thân ái.

Trả lời bởi: BS Trương Anh Mậu, khoa ngoại

[Trở về]

Các tin khác