Một trẻ nhũ nhi hoại thư vùng bìu hiếm gặp
Ngày đăng: 09/12/2013
Lượt xem: 8632
Khoa Niệu bệnh viện Nhi đồng 2 sáng 30-11-2013 vừa phẫu thuật cho một bệnh nhi Đ.G.T (2, 5 tháng tuổi, Dân tộc Bana, Gia Lai) mắc hội chứng hoại thư Fournier vùng bìu. Đây là một bệnh lý cực kỳ hiếm gặp, nhất là đối với trẻ em. Bé T. nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt cao , vùng bìu bị lở loét hoại thư, sưng mủ; da bìu hoại tử rộng ăn lan làm hai tinh hoàn hầu như lộ ra ngoài. Sau khi nhập viện, bé được làm một số xét nghiệm kiểm tra và chuyển lên phòng mổ khẩn để cắt lọc toàn bộ vùng mô chết nhiễm trùng nhằm ngăn chặn sự lan rộng vùng hoại thư. Sau khi cắt lọc vùng tổn thương tới sát hai tinh hoàn, vết mổ được dẫn lưu thật tốt để thoát dịch.
Nếu như không được phẩu thuật sớm, tình trạng hoại thư này sẽ lan rộng nhanh chóng không kiểm soát được ra toàn bộ vùng bìu sinh dục, tầng sinh môn thậm chí vùng bụng và hai đùi.
Hội chứng hoại thư vùng bìu hay còn gọi là hoại thư Fournier được tác giả người Pháp Jean Alfred Fournier mô tả lần đầu tiên 1883 một bệnh lý nguy hiểm được đánh giá là một cấp cứu ngoại khoa, có tỷ lệ tử vong rất cao (20-40%), nếu đã xảy ra tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc thì tỷ lệ tử vong này lên đến 70%. Bệnh hiếm gặp nếu xảy thường ở người lớn, ở trẻ em thì trong y văn tới nay ghi nhận trên toàn thế giới chỉ có khoảng 60 trường hợp; bệnh nhi cuối cùng được báo cáo là trường hợp một bé trai 2 tuổi tại bệnh viện Sản Nhi North Adelaine ở Úc vào năm 2012.
Nguyên nhân khởi phát của bệnh hoại thư Fournier vẫn thực sự chưa rõ ràng, trong khi ở người lớn bệnh thường xảy trên những cơ địa suy giảm miễn dịch, tiểu đường, nghiện rượu thì ở trẻ em bệnh vẫn có thể xảy ra ở những cơ thể khỏe mạnh; tuy nhiên theo y văn mô tả một số yếu tố thuận lợi như hăm tả, bị phỏng, côn trùng cắn hay chấn thương vùng sinh dục; hoặc những dị tật niệu dục như lỗ tiểu đóng thấp, vùi dương vật, rò niệu đạo hay có những tiền căn phẫu thuật vùng này trước đó. Các triệu chứng ở trẻ em, ban đầu hoại thư Fournier có vùng tổn thương sưng đỏ mềm, kế tiếp vùng hoại tử da bìu lan rộng, sâu xuống lớp cân dưới da; trẻ đau quấy khóc và sốt cao; cuối cùng bé rơi vào tình trạng hoại thư lan rộng, nặng hơn là tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc và cuối cùng là tử vong.
Đăng bởi: Ths.Bs.Phạm Ngọc Thạch - Phó khoa Ngoại niệu
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 sẵn sàng phối hợp cùng ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa trong chăm sóc sức khỏe trẻ em 25/10/2024