Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tạo hình âm đạo cho một bé gái

Ngày đăng:  29/12/2013

 
Lượt xem: 10676

Bé gái dậy thì đau bụng trường niên nhưng vẫn chưa có kinh, coi chừng tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh

 

Ngày 27- 12, khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa tiến hành phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân N.T.H (13 tuổi, TP HCM). Bé H. mắc bệnh lý bất sản âm đạo bẩm sinh. Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, phó khoa Niệu, phẫu thuật viên chính ca phẫu thuật, đây là một trong những dạng dị tật gây nên bệnh cảnh tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh. Những biểu hiện của bệnh lý này thường khiến người điều trị nhầm lẫn giữa các nguyên nhân gây bệnh và hình ảnh học dễ nhầm lẫn với các bệnh hoàn toàn khác như viêm ruột thừa hoặc u nang buồng trứng xoắn dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị gặp khó khăn.

Khoảng 3 tháng trước, bé H. có những biểu hiện đau bụng theo chu kì hàng tháng. Mỗi đợt đau bụng như vậy kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày liên tục như đau bụng kinh. Tuy nhiên người nhà kiểm tra thì không thấy ra máu kinh. Người nhà có đưa bé H. đi siêu âm, kết quả cho thấy u nang buồng trứng và chỉ được theo dõi. Tuy nhiên, những đợt đau bụng vùng bụng dưới gần đây ngày càng  nặng nề hơn các lần trước đó. Hơn nữa vùng hạ vị của bé H. có khối gồ lên, kèm theo đó bé càng ngày càng khó đi tiểu.

 

Giữa tháng 12, bé H. được người nhà đưa vào một bệnh viện tuyến quận trong tình trạng đau bụng dữ dội, bụng phình to và bí tiểu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán màng trinh của bé H. không có lỗ để thoát máu kinh và dịch ra bên ngoài. Vì thế, bé H. được phẫu thuật rạch mép màng trinh. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, bé H. vẫn đau bụng dưới và bí tiểu nên phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

 

Tại đây Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé H. đã được các bác sĩ chẩn đoán ứ máu kinh trong tử cung âm đạo nhưng do nguyên nhân là bất sản âm đạo. Bé đã được phẫu thuật cấp cứu nhằm giải thoát tức thì lượng máu kinh ứ đọng trong nhiều tháng liền và tái tạo lại âm đạo. Cùng gây ứ tắc nghẽn máu kinh ứ đọng nhưng trường hợp bệnh nhân có màng trinh kín thì chỉ cần phẫu thuật rạch màng trinh là giải quyết được vấn đề, phẫu thuật khá đơn giản tuy nhiên nếu kiểm tra thấy màng trinh có lỗ thoát dịch nhưng máu kinh không ra ngoài được thì phải kiểm tra sâu hơn để tìm nguyên nhân khác và bất sản âm đạo là một trong những nguyên nhân đó, việc điều trị hoàn toàn khác nhau và phức tạp hơn nhiều.

 

Tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh có tần xuất khoảng 1/4500 trẻ gái sinh ra. Trung bình mỗi năm Khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận từ 4 – 5 ca mắc bệnh lý trên. Với những bệnh nhân mắc bệnh lý này thì âm đạo bị bít đường tống thoát nên sẽ gây cản trở bài tiết dịch và máu kinh. Vì thế, lượng dịch và máu kinh  sẽ ứ động ở vùng âm đạo. Lứa tuổi biểu hiện bệnh đa phần là ở sơ sinh hoặc dậy thì.

 

 Ở trẻ sơ sinh, dưới tác động của estrogen (một loại hormon do một số cơ quan sinh dục nữ tiết ra, ) từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kì, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo. Trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh lý tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh, thay vì dịch này sẽ được thoát ra ngoài, lại bị ứ lại trong âm đạo. Biểu hiện là bé gái có khối u vùng âm hộ. Ngoài ra còn có các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục,…). Còn ở trẻ dậy thì, đến tuổi có kinh nhưng bệnh nhân chỉ bị đau bụng theo chu kì tháng nhưng không thấy kinh. Máu kinh ứ đọng tích lũy dần trong tử cung, âm đạo, âu dần sẽ tràn ra vòi trứng thậm chí chảy ngược vào ổ bụng…Lương máu kinh tắc nghẽn quá nhiều chèn ép gây bí tiểu (do khối chứa máu và dịch ở âm đạo chèn ép đường tiểu) hoặc hình thành khối u nề ở bộ phận sinh dục hay vùng hạ vị. Hình ảnh vòi trứng ứ máu to vặn xoắn, dịch máu trong ổ bụng kèm theo bệnh cảnh đau bụng dễ nhầm lẫn u nang buồng trứng xoắn hoặc viêm ruột thừa.

 

Trong nhóm nguyên nhân gây bít tắc âm đạo bẩm sinh thường gặp nhất là màng trinh kín hay vách ngăn âm đạo. Nguyên nhân do bất sản âm đạo thì rất hiếm gặp. Bác sĩ Thạch cho biết thêm, trong khi phẫu thuật thoát máu kinh ở nhóm nguyên nhân màng trinh kín và vách ngăn âm đạo tương đối dễ dàng thì ở bất sản âm đạo việc tái tạo âm đạo sẽ phức tạp hơn nhiều. Nếu gián đoạn của âm đạo đoạn bất sản quá dài, đòi hỏi người phẫu thuật viên phải dùng vật liệu khác trong cơ thể để làm âm đạo mới như ruột, vạt da…do đó việc chuẩn bị trước mổ cũng có phần khác hơn như làm sạch ruột, chuẩn bị vạt da….Sau khi tạo hình âm đạo, bé H. khả năng sinh sản vẫn bình thường. Biến chứng thường gặp sau mổ đối với những bệnh nhân bi bất sản âm đạo là việc hẹp âm đạo về sau. Do đó việc tái khám định kì và nong âm đạo là cần thiết.

 

Đối với phụ huynh nếu trẻ gái sơ sinh sau sanh có khối phồng vùng âm hộ, rặn quấy mỗi khi tiểu, ngoài những nguyên nhân như túi sa niệu quản, kén cạnh niệu đạo…thì màng trinh kín là nguyên nhân cũng rất thường gặp; về phần các bé gái  trong độ tuổi dậy thì: bệnh thường biểu hiện đau bụng cơn theo chu kì mỗi tháng nhưng không có kinh nguyệt. Kèm theo chứng bí tiểu, có khối u vùng bụng dưới cần được đem tới bệnh viện ngay. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến chứng như nhiễm trùng, viêm nội mạc tử cung, vô sinh về sau.

 

Điều đáng nói, nhiều bé gái tiền dậy thì chưa có kinh, tâm lý ngại ngùng nên không dám thổ lộ với người thân về triệu chứng u vùng âm hộ nên thường bệnh được phát hiện muộn. Triệu chứng này cực kỳ quan trọng để các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh. Đối với bệnh lý tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh, triệu chứng khá đa dạng do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, nên có thể dẫn đến những chẩn đoán không chính xác. Nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh không chính xác nên việc điều trị có thể sai lầm hoặc không đúng thời điểm

 

 

Hình: màng trinh kín. Âm đạo liên tục bình thường nhưng màng trinh không có lỗ thoát

      

Hình: bất sản âm đạo với hình ảnh gián đoạn âm đạo và màng trinh bình thường

( Nguồn: www.emedecine.com)

 

Đăng bởi: CN. Thiên Phước

[Trở về]

Các tin khác