Vết thương sọ não ở trẻ 6 tháng do súng tự chế
Ngày đăng: 06/05/2014
Lượt xem: 6686
Hôm qua, khoa ngoại thần kinh BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và xử trí 1 trường hợp vết thương sọ não do súng tự chế bắn khá hi hữu và thương tâm. Bé trai 6 tháng tuổi, chưa có tên, được chuyển từ BV tỉnh Bình Phước vào BV Nhi Đồng 2 chỉ với 1 vết thương ở đỉnh đầu bên phải nhỏ cỡ khoảng bằng đầu viên bi (bạc đạn) xe máy chảy máu rỉ rả, nhưng bản thân em bé thì lơ mơ, co gồng, đồng tử co nhỏ. Người nhà cho biết, chị gái 6 tuổi có chơi với bé và không rõ bằng cách nào có được cây súng tự chế ở nhà cầm trên tay, vô tình súng cướp cò và viên đạn bắn thẳng vào đỉnh đầu bên phải của bé em.
Bé sau đó được tức tốc đưa vào bệnh viện tỉnh và chuyển xuống thành phố. Các bác sĩ trực ngoại thần kinh đêm đó ngay lập tức xác định đây là 1 trường hợp vết thương sọ não do hỏa khí và cần phẫu thuật gấp vì phim chụp XQ sọ cho thấy viên đạn vẫn còn nằm trong sọ của bé. Bé nhanh chóng được hồi sức, chụp thêm CTscan sọ não và được đưa vào phòng mổ gấp trong vòng chưa đến nửa tiếng. Trải qua 5 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ với sự trợ giúp của máy siêu âm, đã gắp ra được đầu đạn tròn, đường kính khoảng 1cm, hơi bị dẹp ở đầu. Sau mổ, bé đã được chuyển xuống khoa hồi sức tích cực. Hiện bé đã có thể mở mắt nhưng vẫn còn phải thở máy , có những cơn co gồng và yếu nửa người bên trái.
Bác sĩ Đặng Xuân Vinh, phó khoa ngoại thần kinh, cho biết vị trí dị vật (viên bi sắt) nằm trong nhu mô não, cách xương sọ 2cm. “Đạn được bắn thẳng vào não. Đường đi của viên đạn này từ chẩm trái xuyên qua xương sọ vào nhu mô não, rồi lên đỉnh trái, cuối cùng chuyển hướng sang đỉnh phải đầu. Vì thế nhu mô não của bệnh nhi này bị tàn phá nặng, kèm xuất huyết não” - bác sĩ Vinh nói.
Nói về ca mổ, bác sĩ Nguyễn Thành Đô, thành viên phẫu thuật ca mổ, cho biết với cách mổ thông thường sẽ tàn phá rất nhiều nhu mô não của bé nếu muốn lấy được viên đạn và di chứng về sau sẽ rất nặng nề. Do đó, khi mở sọ, các bác sĩ phải dùng kính vi phẫu để làm sạch các mô não bị dơ, bị hư hại trong khi vẫn bảo tồn tránh gây hại thêm các nhu mô não lân cận.
Giai đoạn khó khăn nhất lúc phẫu thuật là tìm đầu đạn, với sự hỗ trợ của máy siêu âm tại chỗ và kính hiển vi phóng đại đặc chủng dùng trong mổ u não, các bác sĩ định vị chính xác đầu đạn và lấy ra mà ít gây tổn thương nhất cho não bé. Bác sĩ cho biết thêm dù ca mổ khá thuận lợi, nhưng diễn tiến chăm sóc hậu phẫu những vết thương như thế này rất khó nói trước vì các nguy cơ sau đó: nhiễm trùng, viêm phổi do thở máy, di chứng yếu liệt...
Do đó, việc quản lí các vật sát thương ( đạn, pháo, súng kíp tự chế...) nên được chú ý nhiều hơn nữa để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Bàn giao mái ấm giúp hộ dân đón Tết và khám chữa bệnh, phát quà đến 300 trẻ em tại Di Linh, Lâm Đồng 13/01/2025
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024