Bấm vào hình để xem kích thước thật

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2 THỰC HIỆN THÀNH CÔNG CA GHÉP GAN THỨ 8

Ngày đăng:  16/09/2014

 
Lượt xem: 12167

Ngày 4/9/2014, ê kíp phẫu thuật gồm 30 bác sỹ, kỹ thuật viên, dụng cụ viên bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng phối hợp với các bác sỹ bệnh viện Đại học Saint-Luc (Vương quốc Bỉ) đã tiến hành phẫu thuật ca ghép gan lần thứ 8 tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Cặp ghép lần này người cho là chị N.H.H (29 tuổi) mẹ của người nhận là bệnh nhi P.N.M.H (sinh ngày 5/9/2013).

Bệnh nhi P.N.M.H sau sinh có triệu chứng vàng da, được chẩn đoán là teo đường mật và được phẫu thuật Kasai lúc 3,5 tháng tuổi. Ở đây chúng tôi cũng muốn nhắc tới phẫu thuật Kasai là một phương pháp phẫu thuật giúp tái lập lưu thông mật tạm thời trong quá trình chờ đợi được ghép gan.

Phẫu thuật Kasai

Sau 9 tháng được phẫu thuật Kasai bệnh nhi suy dinh dưỡng, vàng da nặng, nhiễm trùng đường mật, viêm phổi được chẩn đoán là xơ gan giai đoạn cuối/teo đường mật đã phẫu thuật Kasai. Nếu không kịp thời phẫu thuật bệnh nhi sẽ tử vong.

Người cho một phần gan là chị N.H.H (29 tuổi) mẹ của bé. Người cho và người nhận phải thực hiện nhiều xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để đánh giá mức độ tương hợp mô, khả năng thải ghép cũng như những biến chứng có thể xảy ra sau mổ.

Cả người cho và người nhận được đưa lên phòng mổ lúc 7 giờ để chuẩn bị.

Đúng 9 giờ 30 phút, chúng tôi bắt đầu phẫu thuật.

Sau đây là một số hình ảnh của trường hợp ghép gan này.

Phẫu thuật người mẹ

Cắt phân thùy 2-3 của gan người mẹ

Phẫu tích cắt bỏ gan người con, gan chắc và bề mặt gồ ghề trong xơ gan

Gan người con được cắt bỏ hoàn toàn

Rửa mảnh gan ghép

Ca phẫu thuật diễn tiến có phần khó khăn do tĩnh mạch cửa của người con có khẩu kính nhỏ so với tĩnh mạch cửa của mảnh ghép. Chúng tôi phải tạo hình tĩnh mạch cửa của con từ một mảnh tĩnh mạch mạc treo tràng dưới của người mẹ.

Tái tạo tĩnh mạch cửa của người con

Điều khó khăn thứ hai ở trường hợp này là miệng nối động mạch bị tắc sau lần nối thứ nhất. Chúng tôi phải làm lại miệng nối động mạch nên ca mổ kéo dài đến 10 giờ đêm.

Sau hơn 12 tiếng đồng hồ phẫu thuật, ca ghép gan thứ 8 đã thành công tốt đẹp.

Đến nay, mẹ bệnh nhi đã bình phục hoàn toàn. Người con có thể ăn uống được, đã được rút ống dẫn lưu, giảm vàng da, các xét nghiệm chức năng gan đã tốt hơn nhiều so với trước mổ .

Người mẹ đã có thể thăm con và cho con uống sữa

Tính đến nay, Việt Nam chỉ thực hiện được 46 ca ghép gan tính cả trên người lớn và trẻ em. Tại những nước phát triển, những bệnh nhân bệnh gan giai đoạn cuối có nhiều cơ hội được ghép gan hơn nước ta. Chúng ta đã hội nhập trên nhiều lĩnh vực trong đó có Y học nên trình độ của các ê kíp ghép gan của Việt Nam đang tiến rất gần đến các nước khác. Vậy lý do gì mà số lượng các ca ghép gan của chúng ta vẫn chưa nhiều?

Câu trả lời một phần nằm ở kinh phí thực hiện một ca ghép gan rất lớn, khoảng 1,5 tỷ đồng, một phần vì nguồn tạng ở nước ta rất hiếm.

Vậy ở các nước khác nguồn tạng sẽ được lấy từ đâu? Tại các nước Âu-Mỹ, nguồn tạng chủ yếu là từ người cho chết não. Một người cho chết não có thể tặng tim, gan, 2 thận, võng mạc… cho những người bệnh khác có cơ hội được sống. Trong khi đó, tại những nước châu Á, do yếu tố văn hóa, tập quán mà ghép tạng từ người cho chết não lại không nhiều. Tại những trung tâm ghép gan lớn của châu Á như ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thì nguồn gan ghép phần lớn là từ người cho sống. Quan điểm về sự toàn vẹn của cơ thể khi chết đi làm hạn chế hiến tạng từ người cho chết não.

Việt Nam, một nước Á châu, cũng nằm trong cái quy luật ấy. Vậy trong khi chờ đợi sự thay đổi để có nguồn tạng từ những người cho chết não thì nguồn gan của chúng ta là từ người thân của bệnh nhân, người sẽ cho một phần gan của mình.

Câu hỏi đặt ra là liệu có an toàn khi cho một phần gan của mình? Nên nhớ rằng người cho gan sống là người khỏe mạnh bình thường, họ sẽ trải qua môt cuộc phẫu thuật mà không phải để điều trị bệnh cho mình. Thứ nhất, gan là tạng duy nhất trong cơ thể có thể tái tạo, sau khi cho một phần gan của mình gan sẽ tự tái sinh. Thứ hai, luôn có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước mổ và trong phẫu thuật sự an toàn của người cho sống luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Điều này đã giúp giảm tỷ lệ những biến chứng nghiêm trọng ở người cho sống về gần bằng 0.

Qua sự thành công của ca mổ thứ 8, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều nguồn gan và nhiều bệnh nhi bệnh gan giai đoạn cuối được ghép gan để tiếp tục được sống.

 

Đọc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về ghép gan theo địa chỉ trang web: http://ghepgan.benhviennhi.org.vn


 

 

 

Đăng bởi: BS.CK1 Vương Minh Chiều, khoa ngoại tổng hợp

[Trở về]

Các tin khác