Tuổi dậy thì và các bất ổn tâm lý hành vi
Ngày đăng: 17/09/2014
Lượt xem: 9424
Bệnh viện Nhi Đồng 2 tuần qua đã tiếp nhận 2 trường hợp cấp cứu khá hi hữu và thương tâm mà nguyên nhân là do những bất ổn tâm lý hành vi ở tuổi dậy thì. Trường hợp thứ 1 là bé gái N.T.N, 13 tuổi, nhà ở Đồng Nai, được chuyển viện vì phỏng nặng toàn thân do lửa. Theo lời người nhà thì bé nghiện chơi game; khoảng trưa 13g ngày 11/9, bé chơi game, cha mẹ la rầy không cho chơi nữa. Thế là, bé mua xăng tự rưới vào người và tự châm lửa đốt ngoài vườn sau nhà. Khi lửa cháy, quá đau đớn bé chạy ra ngoài sân, được người thân dập tắt lửa và đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tình trạng lúc nhập viện của bé rất nặng nề: lơ mơ, toàn thân cháy xém đen với diện tích trên 90% cơ thể, tiểu máu.
Dù đã được chuyển lên tuyến trên, được hồi sức và điều trị tích cực, nhưng tình trạng sức khỏe của bé vẫn diễn tiến ngày càng xấu: cứng bì toàn thân, tổn thương đa cơ quan không hồi phục và được người nhà xin về trong tình trạng nặng. Trường hợp thứ 2 cũng là 1 bé gái 13 tuổi, N.N.T, ở Long An, nhập viện vì chấn thương cột sống nặng. Theo lời mẹ và của bé thì khoảng 22g ngày 14/9, bé vẫn chưa chịu ngủ mà liên tục nhắn tin diện thoại di động cho bạn, cha bé có giằng co lấy điện thoại của bé và đánh bé vài cái răn đe. Không ngờ bé vùng chạy ra lan can lầu 1 cách mặt đất khoảng 3m và nhảy xuống. May mắn là khi tiếp đất thì chân và mông bé tiếp đất trước nên bé không bị chấn thương nội tạng và đầu nghiêm trọng. Nhưng cột sống và 2 chân thì bị tổn thương nặng. Hình ảnh CTSCan cho thấy bé bị gaỹ lún đốt sống thắt lưng 1. Hiện tại, tình trạng của bé tạm ổn định nhưng vẫn cần theo dõi sát các biến chứng khác có thể xảy ra.
Tuổi dậy thì là 1 cột mốc quan trọng đối với trẻ. Ở trẻ nữ thường bắt đầu dậy thì ở tuổi từ 9 đến 14. Trẻ nam, dậy thì muộn hơn ở tuổi từ 12 đến 15. Đây là thời kỳ trẻ không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn. Do đó, bước vào lứa tuổi này, trẻ sẽ có nhiều biến đổi về tâm sinh lý và thường có những rối loạn cảm xúc, hành vi. Những rối loạn này thường được bé khéo léo che kín trong thời gian dài và bùng nổ khi có dịp thuận lợi như những trường hợp đáng tiếc trên, nhất là trường hợp thứ 2 vì trước đó bé hay có hành vi tự rạch tay, hăm dọa nhảy lầu khi không được đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý đến trẻ để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với tâm lý thời gian này như khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, dành thời gian tâm sự với con khi thấy bé có những biểu hiện tâm lý bất ổn, cần tránh các biện pháp trừng phạt đánh, la mắng trẻ càng làm trẻ thu mình vào thế giới riêng của mình. Nếu cần thiết, cha mẹ hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ tâm lý ngay để có những điều chỉnh kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Bàn giao mái ấm giúp hộ dân đón Tết và khám chữa bệnh, phát quà đến 300 trẻ em tại Di Linh, Lâm Đồng 13/01/2025
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024