Bấm vào hình để xem kích thước thật

Giúp trẻ học tốt sau kỳ nghỉ Lễ - Tết

Ngày đăng:  26/02/2015

 
Lượt xem: 8473

Nghỉ Tết là dịp mà học trò trông mong hào hứng nhất trong năm. Đây là một kỳ nghỉ rất đúng nghĩa vì trẻ sẽ có những ngày nghỉ dài và không bị bắt phải… học thêm (khác với nghỉ hè). Thêm vào đó, kỳ nghỉ này còn mang dấu ấn của niềm vui hân hoan khi được diện quần áo mới và đẹp, được lì xì, được đi chơi xa, được vui chơi thỏa thích… Chính vì thế, trẻ dễ có tâm lý uể oải cho những ngày sau Tết. Trong khi đó, phụ huynh cũng không khỏi lo lắng và không biết làm thế nào để khôi phục lại tinh thần học cho trẻ.

Thường thì tâm lý phụ huynh trước Tết cũng có phần dễ dãi trong việc học của trẻ – “Thôi, học buổi cuối rồi, để cho con chơi Tết thoải mái, tội nghiệp con…”. Tuy nhiên, để hạn chế sự khó khăn trong việc đưa trẻ lại việc học hành sau Tết, phụ huynh cần thực hiện những bước sau với tinh thần giúp trẻ cũng cố kiến thức để sau này không phải phiền hà chê trách vì tính “ham chơi – lười học” của con:

  • Phụ huynh hãy quan tâm đến thời khóa biểu của trẻ trong những ngày cuối trước khi nghỉ Tết và những ngày đầu sau khi  nghỉ Tết xong. Công việc này, nếu được, phụ huynh nên thực hiện một cách…âm thầm để tránh tình trạng gây cho trẻ cảm giác bất an rằng mình sắp có những ngày nghỉ lễ không vui.

 

  • Môn học cuối trước khi nghỉ Tết: phụ huynh nên hỏi và kiểm tra lại xem trẻ có còn những vướng mắc nào không hiểu trong ngày hôm đó không? Nếu giải quyết được ngay lúc đó càng tốt. Nếu không, phụ huynh ghi chú lại những vướng mắc này của trẻ và không cần phải gây áp lực nặng nề là phải “giải quyết cho xong ngay lập tức”.

 

  • Đối với môn học cho ngày học đầu tiên sau Tết:  phụ huynh nhẹ nhàng nói với trẻ rằng “Chúng ta sẽ chỉ tham khảo sơ thôi, vì sau Tết có thể trẻ sẽ quên bài học ít nhiều”.

 

  • Sau khi đã ghi nhận bài vở của trẻ. Phụ huynh bắt đầu lên “Danh sách” sẽ giúp trẻ giải quyết những gì trong bài học. Thường thì những kiến thức trong bài vở đều có thể vận dụng giải thích từ những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Từ phép toán cộng-trừ-nhân-chia đơn giản cho đến các bài phép chia số dư. Từ những hiện tượng vật lý, sinh hóa cho đến các kiến thức lịch sữ - địa lý. Với mỗi vấn đề như vậy, phụ huynh – sau khi đã ghi nhận khó khăn của trẻ – có thể tranh thủ gợi ý cho trẻ quan sát một sự vật hiện tượng nào đó xảy ra trước mắt, cùng trẻ xem một đoạn video/clip có liên quan, cho thấy sự liên hệ … để từ đó giải thích vấn đề của trẻ một cách tự nhiên như thể mình đang muốn chỉ cho trẻ xem một điều gì đó. Đối với trẻ lớp một, điều phụ huynh lo nhất là trẻ sẽ bị quên mặt chữ. Theo chương trình học của Bộ Giáo dục, sau Tết là giai đoạn trẻ đã chuyển từ đọc ráp vần sang đọc trơn, phụ huynh có thể yêu cầu trẻ đọc bất cứ dòng chữ hay khẩu hiệu/tên đường/biển báo nào mà trẻ thấy trên đường. Đấy vừa là hình thức nhắc bài, vừa tập trẻ quan sát trên tinh thần kích thích trẻ khám phá những câu chữ mới lạ.

 

  • Tinh thần vừa dạy – vừa chơi sẽ không tạo không khí  áp lực học cho trẻ. Chỉ khi nào nhận thấy trẻ chịu lắng nghe và tiếp thu một cách thích thú, lúc đó phụ huynh mới bộc lộ cho trẻ thấy phần mình vừa trình bày có liên quan đến kiến thức trẻ đang học.

 

  • Tùy theo vấn đề còn tồn đọng của trẻ nhiều hay ít, phụ huynh nên linh động thông báo cho trẻ vào ngày nào trẻ sẽ quay trở lại nhịp điệu học bình thường. Việc thông báo trước trước khi những ngày nghỉ Tết chưa thực sự bắt đầu có thể tạo ra tâm lý bồn chồn mất vui. Nếu trong những ngày nghỉ phụ huynh đã tranh thủ giải thích được cho trẻ phần lớn vấn đề thì chỉ cần 1 ngày trước khi đi học để ôn tập lại là đủ.

 

  • Có thể tổ chức mời bạn học của trẻ đến nhà dùng bữa cơm chung và tổ chức cho nhóm bạn chơi cùng nhau -  1-2 ngày trước khi đi học lại. Việc trao phần 1 tiền lì xì nho nhỏ cho các bạn của trẻ cũng tạo sự phấn khích cho trẻ trong việc trở lại trường lớp.

 

  • Điều căn dặn tiếp theo là phụ huynh không quên 2 ngày trước khi đi học nhắc nhở trẻ trở lại việc ngủ sớm - đúng giờ như đã quy định trước đây để tránh tình trạng thức khuya dậy muộn không đảm bảo tốt tinh thần học tập trên lớp.

 

Thông thường, giáo viên cũng hiểu tâm lý học sinh nên sẽ có tổ chức ôn bài hoặc nhắc nhớ kiến thức trong những ngày sau Tết. Phụ huynh có thể chủ động liên lạc với giáo viên của trẻ để nắm rỏ chương trình học của trẻ, bớt lo lắng để cùng trẻ và mọi người đón Tết vui tươi.

Đăng bởi: Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh

[Trở về]

Các tin khác