Cấp cứu thành công và kịp thời bé trai bị sốc mất máu nhờ quy trình Báo động đỏ
Ngày đăng: 20/07/2017
Lượt xem: 7070
Bệnh nhi T.H.T, 14 tuổi, được chuyển đến từ bệnh viện Nhi Đồng Nai trong tình trạng cấp cứu khẩn vì vết thương thấu ngực gây mất máu nhiều không kiểm soát được.
Trước đó, bé T.H.T và bạn đi cắt tràm mướn, có vui đùa chọc ghẹo và làm bạn nổi nóng, phóng kéo cắt tràm vào lưng. Sau khi bị kéo phóng trúng, bé mệt lả người, chảy máu nhiều và lịm dần. Người nhà đưa bé vào bệnh viện cấp cứu và được các y bác sĩ tại bệnh viện nhi Đồng Nai chống sốc tích cực, truyền máu (gần 1 lít) và cấp tốc chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tại khoa cấp cứu, sau khi đánh giá tình hình đây là một trường hợp cấp cứu tối khẩn do vết thương thấu ngực gây nên, khả năng tổn thương mạch máu lớn. Ngay lập tức, bệnh viện đã khởi động quy trình "Báo động đỏ". Bệnh nhi nhanh chóng được hồi sức và chuyển ngay lên phòng mổ thám sát nguyên nhân gây tình trạng mất máu trong khoảng thời gian dưới 20 phút.
Tại phòng mổ, sau khi mở ngực bệnh nhi, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân gây chảy máu ồ ạt, không kiểm soát được là do một nhánh mạch máu xuất phát từ động mạch chủ (là mạch máu lớn nhất của cơ thể) bị mũi kéo xuyên đứt rời. Do nằm gần động mạch chủ, áp lực máu đi ra là rất lớn nên dù mạch máu bị đứt là nhỏ nhưng trong khoảng thời gian ngắn, lượng máu mất ra là rất lớn. Sau khi khâu cột mạch máu này lại thì máu ngưng chảy, huyết áp của bệnh nhi được kiểm soát, các bác sĩ phẫu thuật tiếp tục lấy ra hết các khối máu đông, khâu lại các mô mềm và màng phổi bị rách và truyền thêm gần 1 lít máu cho bé trong suốt cuộc phẫu thuật. Hiện tại, bé đã tỉnh táo và được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để theo dõi tiếp.
ThS.BS. Vũ Trường Nhân - Trưởng kíp mổ và là người tham gia khởi động quy trình báo động đỏ cho biết: Trường hợp này là vết thương thấu ngực, nhìn đường vào rất nhỏ, chỉ khoảng vài cm nhưng hậu quả thì khôn lường do vùng ngực có nhiều mạch máu lớn và các cơ quan quan trọng. Trong trường hợp này, nếu mũi kéo xê dịch thêm vài cm về phía trong cột sống thì sẽ gây thủng rách động mạch chủ ngực và khả năng cứu sống bé là thấp do máu chảy nhanh, ồ ạt, không kiểm soát được... Thành công của ca mổ ngoài chuyên môn ra còn có sự phối hợp của các khoa phòng có liên quan thực hiên đúng quy trình báo động đỏ.
Quy trình báo động đỏ là quy trình phối hợp cấp cứu khẩn cấp để các khoa phòng liên quan kịp thời xử trí những trường hợp bệnh lý nặng và phức tạp, có nguy cơ tử vong cao. Khi có báo động đỏ các bác sĩ cấp cứu sẽ phối hợp cùng bác sĩ khoa ngoại, hồi sức, gây mê đánh giá tình hình bệnh nhân và chuyển lên phòng mổ trong thời gian ngắn nhất, đôi khi vừa hồi sức vừa phẫu thuật để đạt được phần quan trọng nhất là giữ và cứu được tính mạng bệnh nhi. Toàn bộ thời gian hồi sức và chuyển lên phòng mổ thông thường sẽ dưới 20-30 phút tùy tình trạng cấp cứu của bệnh nhi.
BS. Nhân cho biết thêm: nhờ thực hiện nghiêm túc và hợp lý quy trình báo động đỏ (theo khuyến cáo của Sở Y Tế), bệnh nhi đã được bảo toàn mạng sống, đó là 1 điểm rất hay của ngành y tế thành phố hiện nay. Ngoài ra, bác sĩ Nhân cũng nhắn nhủ: Ở lứa tuổi dậy thì, các em thường có tâm lý phức tạp, dễ hành động bộc phát. Do đó, trong giao tiếp, tiếp xúc với bạn bè, các em nên đối xử với nhau đúng mực để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc.
Tác giả bài viết: BS. Trương Anh Mậu - Phó khoa Bỏng chỉnh trực
Đăng bởi: Nguyễn Thị Thu Hân
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024