Bấm vào hình để xem kích thước thật

PHÒNG NGỪA CÚM GIA CẦM H5N1

Ngày đăng:  28/02/2018

 
Lượt xem: 7363

Tại Việt Nam, từ những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, dịch cúm A/H5N1 vẫn tiếp tục xảy ra trên gia cầm ở nhiều khu vực và có nguy cơ lây truyền sang người. Hiện tại, 1 ổ dịch cúm gia cầm gần nhất đã được phát hiện tại trang trại của một gia đình ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đã có gần 200 trong tổng số gần 800 con gia cầm tại trang trại này bệnh chết từ ngày 17 đến 19/01/2018.

Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus cúm gia cầm thuộc nhóm cúm A của họ Orthomyxoviridae. Trong số 15 phân týp cúm A, H5N1 được quan tâm với nhiều lý do:

- Nó biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các virus nhiễm từ các loài động vật khác nhau.

- Nó có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người.

 

1. Khả năng tồn tại của virus ở môi trường bên ngoài như thế nào?

- Virus bị giết chết ở 560C trong 3 giờ và 600C trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin.

- Các týp virus có độc lực cao có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở nhiệt độ 40C. Nếu ở đông băng, chúng có thể sống trong nhiều năm. Ở nhiệt độ 370C nó có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm.

 

2. Thời gian ủ bệnh và lây lan của H5N1?

- Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh của cúm A/H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm mùa, từ 2-8 ngày và có thể dài đến 17 ngày.

- Thời kỳ lây bệnh:  Như cúm mùa, người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên có thể dài hơn, từ 7-10 ngày.

Phương thức lây truyền: 

+ Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.

+ Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus...)

 

3. Khi nào nghi ngờ người nhiễm cúm gia cầm?

- Tiền sử dịch tễ: đã từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh, hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.

- Biểu hiện lâm sàng: Bệnh diễn biến cấp tính và có thể có các biểu hiện sau đây:

+ Sốt trên 380C, có thể rét run.

+ Ho, thở nhanh, nặng hơn có thể khó thở, tím tái.

+ Khám và XQ phổi: ghi nhận hình ảnh viêm phổi, tiến triển nhanh. Xét nghiệm máu ghi nhận theo hướng nhiễm siêu vi.

+ Các triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy. Nặng hơn có thể rối loạn ý thức, suy đa tạng.

 

4. Cách ly, phòng ngừa lây lan như thế nào?

Đối với bệnh nhân

- Những người đã được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 phải được cách ly tại bệnh viện. Các chất thải của bệnh nhân nhất là chất nôn, đàm nhớt... phải chứa trong bô có nắp đậy kín và khử khuẩn triệt để bằng Chloramin B.

- Hạn chế tối đa việc vận chuyển bệnh nhân ra khỏi buồng bệnh và khu vực cách ly. Người bệnh phải luôn mang khẩu trang y tế trong thời gian điều trị cũng như khi di chuyển trong bệnh viện.

Đối với người tiếp xúc.

- Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh được lập danh sách theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải được đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt độ trên 380C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

- Tại gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử khuẩn bề mặt bằng Chloramin B 2% hoặc xử lý không khí bị ô nhiễm bằng fomaline.

Đăng bởi: Ths.BS NGUYỄN ĐÌNH QUI (Khoa Nhiễm)

[Trở về]

Các tin khác