Đột nhiên ói ra máu, hai bé gái suýt chết vì căn bệnh hiểm khó lường
Ngày đăng: 23/03/2018
Lượt xem: 7557
Sinh ra bình thường nhưng cách đây 8 tháng, bé H.Q (4 tuổi, ngụ TP.HCM) bất ngờ nôn ói ra máu và xuất huyết tiêu hóa. Nhập viện truyền máu, điều trị thời gian dài nhưng không cải thiện.
Cách đây 2 tháng, tình trạng nôn ói của bé Q. nặng lên. Đến 10 ngày gần đây, bé vừa ói ồ ạt vừa đi tiêu ra máu. Tiến hành siêu âm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản vì tăng áp tĩnh mạch cửa nặng.
Tình trạng này kéo dài cũng khiến bé bị cường lách, tiểu cầu giảm và nôn ói liên tục, được chỉ định phải phẫu thuật gấp.
Cũng nhiều lần nôn ói ra máu là bé N.B.T (4 tuổi quê Bình Thuận). Bắt đầu xuất hiện tình trạng này từ lúc 4 tháng tuổi nên những năm qua, bé liên tục nhập viện để truyền máu và điều trị bằng thuốc. Đến 7 tháng tuổi, bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) điều trị và được chẩn đoán mắc bệnh tăng áp tĩnh mạch cửa. Theo thời gian, lá lách của bệnh nhi phù lên khổng lồ, tiểu cầu giảm mạnh, tính mạng bị đe dọa.
Dưới sự hỗ trợ của chuyên gia phẫu thuật gan mật Koichi Tanaka, trong hai ngày 19 và 20/3, các bệnh nhi trên đã được tiến hành phẫu thuật. Ekip mổ tiến hành thông nối giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới của hai đứa bé bằng mảnh ghép tĩnh mạch chậu ngoài. Sau 5 giờ phẫu thuật căng thẳng, tình trạng tăng áp lực mạch cửa của bệnh nhi được giải quyết. Hiện các bé tỉnh táo, chỗ cầu nối phục hồi tốt.
Bác sĩ Bùi Hải Trung, khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 2 cho biết, cả hai trường hợp trên đều mắc chứng tăng áp tĩnh mạch cửa ngoài gan. Tình trạng này thường do đặt catheter rốn lúc sơ sinh, nhiễm trùng, viêm ruột, viêm phúc mạc... Đặc biệt, khoảng 50% trẻ mắc bệnh này không rõ nguyên nhân.
Theo bác sĩ nếu không sớm phẫu thuật, việc tăng áp tĩnh mạch cửa sẽ khiến trẻ xuất huyết tiêu hóa nhiều lần do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, cường lách, giảm tiểu cầu, xuất huyết não và tử vong do không cầm máu được. Nếu để kéo dài cũng có thể dẫn đến xơ hóa gan, thậm chí phải chỉ định ghép gan.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trước đây bệnh nhân bị tăng áp tĩnh mạch cửa chỉ được điều trị bằng thuốc, nên nguy cơ xuất huyết trở lại vẫn có thể xảy ra. Nhờ áp dụng phương pháp phẫu thuật, hai năm gần đây nhiều bệnh nhi mắc chứng bệnh này đã được cứu sống.
Dự kiến sắp tới, BV sẽ tiếp tục phẫu thuật cho hai bệnh nhi khác bị tăng áp tĩnh mạch cửa nặng.
http://www.japan-acad.go.jp/pdf/youshi/104en/tanaka.pdf
________________________________________________________
http://afamily.vn/dot-nhien-oi-ra-mau-hai-be-gai-suyt-chet-…
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 sẵn sàng phối hợp cùng ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa trong chăm sóc sức khỏe trẻ em 25/10/2024