Bấm vào hình để xem kích thước thật

Phòng ngừa bệnh dại do súc vật cắn

Ngày đăng:  06/04/2019

 
Lượt xem: 11779

Thời gian gần đây có nhiều thông tin ghi nhận các trường hợp trẻ bị chó cắn, có những trường hợp để lại hậu quả thương tâm. Ban website xin chia sẻ cùng quý phụ huynh ít thông tin liên quan đến bệnh dại, để kịp thời xử lý khi chẳng may trẻ bị súc vật cắn. 

 

1.Bệnh dại là gì?

Bệnh dại do Rhabdovirus, là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong 100%.

Về mặt lý thuyết, sự lây truyền từ người bệnh sang người lành có thể xảy ra thông qua nước dãi của người bị bệnh có chứa virus dại. Nhưng trên thực tế, chưa có tài liệu nào ghi nhận.

Theo báo cáo của WHO, bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải chích vaccine dại, có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn từ các nước nhiệt đới.

Tại Đông Nam Á, hàng năm tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Và chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96 – 97%, sau đó là mèo 3 –  4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được. Từ năm 2004 đến nay, bệnh dại có chiều hướng tăng lên.

Theo thống kê tại Tp.HCM: tỉ lệ tử vong từ chó dại cắn là 98,2% và từ mèo dại cắn là 1,8%. Loài gặm nhấm và thỏ không truyền bệnh dại. Tỉ lệ mắc bệnh tăng cao vào mùa nắng nóng.

 

2.Diệt virus dại có dễ không?

Sức đề kháng của virus dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 56oC trong vòng 30 phút, ở 60oC/5 – 10 phút và ở 70oC/2 phút. Virus bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2 – 5%. Trong điều kiện lạnh 4oC, virus sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 0oC sống được từ 3 – 4 năm. Virus dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ. Trong mô não, virus dại tồn tại vài tháng ở 40oC hoặc hàng năm ở 7oC.

3.Diễn tiến bệnh dại?

- Thời kỳ ủ bệnh: Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

- Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1 – 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

- Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp.

- Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng.

- Bệnh thường kéo dài từ 2 – 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

 

4.Chẩn đoán bệnh dại?

Chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

5.Phòng ngừa bệnh dại?

- Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

- Nước ta từ năm 1992 đã dùng vaccine dại Verorab cho người, tiêm bắp: 0,5ml x 5 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, 14, 28 (Nếu theo dõi 10 ngày mà súc vật vẫn khỏe, có thể không cần tiêm mũi ngày 14 và 28). Nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cào/cắn.

- Khi tiêm vaccine phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không dùng thuốc corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

6.Xử trí khi bị súc vật cắn?

- Rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iode để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.

- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

- Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào.

 Tóm tắt điều trị dự phòng người bị súc vật cắn

Tình trạng vết cắn

Tình trạng súc vật

(kể cả súc vật đã được tiêm phòng)

Điều trị

Tại thời điểm cắn

Trong 15 ngày

Da lành

 

 

Không điều trị

Da bị xước ở gần thần kinh trung ương **

Bình thường

 

Tiêm vaccine dại

Có triệu chứng dại

 

Tiêm HTKD* và vaccine dại

Da bị xước nhẹ, xa thần kinh trung ương

Bình thường

 

Theo dõi súc vật.

 

Ốm, triệu chứng dại

Tiêm vaccine dại ngay khi con vật có triệu chứng

Vết xước nhẹ, xa thần kinh trung ương

Không theo dõi được con vật

 

Tiêm vaccine dại.

Có triệu chứng dại

 

Tiêm HTKD và vaccine dại

- Vết thương gần não

- Vết thương sâu, nhiều

- Vết thương vùng đầu chi.

-   Bình thường

- Không theo dõi được con vật

 

 

Tiêm HTKD và vaccine dại ngay

*HTKD: huyết thanh kháng dại

** Gần thần kinh trung ương: trẻ bị cắn khu vực đầu, mặt, cổ

Đăng bởi: Ths.BS NGUYỄN ĐÌNH QUI (Khoa Nhiễm)

[Trở về]

Các tin khác