Quan ngại nhiều trường hợp tai nạn sinh hoạt ở trẻ gia tăng
Ngày đăng: 14/06/2022
Lượt xem: 3822
Liên tiếp những tuần qua, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị thương nặng bởi các tai nạn sinh hoạt, lo ngại sẽ còn gia tăng.
BS.CK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, hầu hết các tai nạn này đến từ bỏng nước sôi, uống nhầm hóa chất, đuối nước, ong đốt, rắn cắn, té cầu thang. Đặc biệt đang có dấu hiệu gia tăng trong khi thời điểm nghỉ hè của trẻ đã bắt đầu.
Nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn, thiếu cảnh giác từ phía người nhà. Quý phụ huynh thường có sự chủ quan trong quá trình chăm sóc con trẻ.
Gặp nhiều nhất là tai nạn do đuối nước ở những nơi nhiều ao, hồ, sông, suối và cả trong hồ bơi. Trẻ thường có xu hướng tụ tập lại để tắm mát, giải trí và gặp phải các tai nạn ngạt nước đau lòng. Tùy thuộc vào thời gian đuối nước, nếu ngắn có thể cứu chữa kịp thời nhưng vẫn để lại di chứng não. Nguy hiểm hơn, đuối nước quá lâu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
Về việc trẻ uống nhầm hóa chất bệnh viện đã tiếp nhận, đa phần đều bị bỏng thực quản, vô cùng nguy hiểm!
Trường hợp bị bỏng do nước sôi, do cháy nổ nhập viện cũng không ít. Ngoài các ca đã cảnh báo trước đó, bệnh viện vẫn cứu chữa thêm các bệnh nhi bỏng nặng. Thương tích của bỏng không chỉ làm da hư, nhiễm trùng mà còn để lại sẹo co rút, sẹo lồi, thậm chí không qua khỏi.
Hiện bệnh viện cũng đang điều trị cho các trẻ bị ong đốt, rắn cắn. Qua tìm hiểu bệnh sử, các em gặp những sự cố này khi tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Trẻ được mang đến đây trong tình trạng tổn thương đa cơ quan (như gan, thận,…) và được các bác sĩ hồi sức tích cực.
Một tai nạn sinh hoạt không mong muốn khác là trượt chân, té ngã. Tuần qua đã có những bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tụ máu dưới màng cứng do…té cầu thang. Tính mạng được giữ lại nhưng không loại trừ khả năng di chứng sau này.
Ngoài ra còn có những tai nạn từ các thiết bị điện, tai nạn do thú cưng, hít phải các chất độc hại, ngộ độc,…
Trước tình hình này rất cần sự chủ động phòng tránh từ phía người nhà, người chăm sóc trẻ. Hãy thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ bởi nguy hiểm luôn “rình rập” bất kỳ thời điểm nào.
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 sẵn sàng phối hợp cùng ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa trong chăm sóc sức khỏe trẻ em 25/10/2024