Vì sao cần phải tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19?
Ngày đăng: 15/06/2022
Lượt xem: 2549
Cần phải tiêm nhắc vắc xin vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm đủ liều một loại vắc-xin có khả năng giảm dần theo thời gian. Với vắc xin phòng COVID-19, dù số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 có xu hướng giảm, nhưng hiện nay các nước vẫn đang triển khai tiêm nhắc vắc vì khả năng miễn dịch theo thời gian cũng sẽ suy giảm.
Mũi vắc-xin tăng cường (hay còn gọi là mũi nhắc lại) là một phần quan trọng trong việc bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Mũi nhắc lại của vắc-xin COVID-19 giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản. (2)
Việc tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin phòng COVID-19 được các nước triển khai dựa trên quan điểm, dù số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 có xu hướng giảm, nhưng khả năng miễn dịch của con người theo thời gian cũng sẽ suy giảm, đặc biệt là ở người cao tuổi. Người lớn tuổi được hưởng lợi lớn từ mũi tiêm nhắc lần 2 do hệ thống miễn dịch lão hóa thường suy yếu và không tạo ra cùng một lượng hoặc cùng chất lượng kháng thể như ở người trẻ. Ngoài ra, người lớn tuổi thường có các vấn đề y tế khác, làm gia tăng nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc COVID-19. (1)
Một số bằng chứng cho thấy việc tiêm nhắc vắc-xin COVID-19 lần 2 mang lại lợi ích cao nhất cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng. Các nghiên cứu từ Israel cho thấy hiệu quả tương đối của vắc-xin ở những người từ 60 tuổi trở lên khi tiêm mũi nhắc lại lần 2 so với liều nhắc lại lần 1 được tiêm cách đây ≥4 tháng là 68% (KTC 95%, 59-74) đối với việc nhập viện liên quan đến COVID-19 và hiệu quả 74% (KTC 95%, 50-90) chống lại tử vong liên quan đến COVID-19. Một nghiên cứu thứ hai ở Israel ở những người ≥60 tuổi cho biết lợi ích gia tăng từ liều nhắc lại lần 2, cụ thể khả năng chống lại nhiễm trùng đạt đỉnh điểm vào 3 tuần sau khi tiêm vắc-xin, với hiệu quả vắc-xin tương đối là 64% (KTC 95%: 62,0-65,9) so với sau tiêm liều nhắc lại lần 1. Hiệu quả tương đối của vắc-xin chống lại nhiễm trùng giảm xuống 29,2% (KTC 95%: 17,7-39,1) sau 10 tuần. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 nặng được duy trì ở mức cao (> 73%) trong suốt 9 tuần theo dõi. (4)
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã triển khai việc tiêm ngừa liều nhắc lại lần 2 cho người dân. Vào 3/2022, FDA và CDC Hoa Kỳ cũng đã đưa ra khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho tất cả người lớn từ 50 tuổi trở lên, cũng như bất kỳ người nào bị suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên. Mũi tiêm nhắc lại thứ hai này nên được thực hiện ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm nhắc lại đầu tiên.(4)
Tại châu Âu, các nước: Đức, Đan Mạch, Anh, Hungary, Thụy Điển… đều đã xúc tiến chiến dịch tiêm phòng mới, thậm chí xem xét mở rộng nhóm đối tượng được tiêm để ứng phó với số ca nhiễm đang tăng nhanh. Ví dụ cụ thể như tại Úc, Cơ quan Y tế của nước này cũng đã đưa ra các khuyến cáo đối với liều nhắc lại thứ 2 ít nhất 4 tháng sau liều nhắc lại đầu tiên với những trường hợp sau: Người từ 65 tuổi trở lên, những người thổ dân và cư dân đảo Torres từ 50 tuổi trở lên, những người từ 16 tuổi trở lên mắc các bệnh mãn tính, cấp tính làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 v.v. Tại châu Á, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Lào cũng có những động thái tương tự. Lào từ ngày 24/3 đã bắt đầu triển khai tiêm liều vắc-xin thứ 4 ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Hàn Quốc triển khai tiêm mũi thứ 4 vắc-xin COVID-19 từ cuối tháng 2/2022 (3)
Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Đăng bởi: Hân nguyễn
Các tin khác
Hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn 01/10/2024
Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7 11/07/2024
Các mũi tiêm ngừa cần thiết cho trẻ 24/10/2023
03 bước xử trí nhanh khi trẻ bị bỏng 06/08/2023