Ngộ độc thực phẩm từ vi khuẩn Salmonella và những điều cần biết
Ngày đăng: 24/11/2022
Lượt xem: 4016
Thông tin nhanh về khuẩn Salmonella được ThS.BS Huỳnh Minh Thu, BV Nhi Đồng 2 chia sẻ để các bố mẹ cập nhật trong quá trình chăm sóc con trẻ.
Theo đó, trực khuẩn Salmonella là một trong những tác nhân gây nên ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn là nguyên nhân gây ra bệnh thương hàn, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh. Nguồn lây nhiễm chủ yếu do ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn này, chủ yếu trong các loại thịt động vật (gia súc, gia cầm) hay các loại trứng, sữa. Ngoài ra, chúng còn có thể xuất hiện trên bề mặt hay các dụng cụ dùng trong chế biến thức ăn.
Với các triệu chứng, gồm: sốt; chướng bụng; đau bụng quặn từng cơn; xuất huyết tiêu hóa, đi tiêu ra phân có đờm, máu; thậm chí có thể bị co giật, rối loạn tri giác.
Nguồn lây nhiễm do ăn phải thực phẩm hoặc dụng cụ chế biến đã bị nhiễm khuẩn...
Khác với chứng rối loạn tiêu hóa thông thường, ngộ độc thực phẩm là trường hợp dung nạp thức ăn đã bị nhiễm khuẩn hoặc thức ăn chứa phải các loại độc tố. Hầu hết ngộ độc thực phẩm có tính rầm rộ hơn kèm theo các dấu hiệu toàn thân như mệt, lừ đừ và yếu tố dịch tễ, như nhiều người cùng bị ngộ độc sau khi cùng ăn thực phẩm. Bệnh có thể được điều trị tại nhà, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tương tự, ngộ độc thực phẩm bởi khuẩn Salmonella cũng có các tính chất như trên.
...với các triệu chứng như sốt cao liên tục, đau bụng dữ dội, phân có đờm, máu cùng các rối loạn tri giác, cần hết sức lưu ý.
Phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh ngộ độc do khuẩn Salmonella. Bằng cách đảm bảo an toàn thực phẩm, nên chọn thực phẩm tươi sống, rõ nguồn gốc và bảo đảm vệ sinh trong khâu chế biến. Lưu ý khi lưu trữ thực phẩm, cần nắm rõ các cách bảo quản phù hợp. Tránh cho con trẻ ăn lại đồ ăn cũ, hâm lại nhiều lần. Cần hạn chế các loại đồ ăn dễ nhiễm khuẩn khi chế biến như thịt xay, pa tê,…vì cấu trúc nguyên thủy của các loại thịt này đã bị phá vỡ. Do bị xay, bị nghiền, nên chúng dễ trở nên hư hỏng, với các trẻ nhỏ cần cho ăn ngay sau khi làm chín./.
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024