Bấm vào hình để xem kích thước thật

Bệnh Cúm A: Không Nên Tự Xét Nghiệm Và Điều Trị

Ngày đăng:  27/12/2022

 
Lượt xem: 4193

Loại cúm A được ghi nhận gây bệnh hiện nay là loại độc lực thấp. Người dân khi có dấu hiệu mắc cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị. Không nên tự ý mua và sử dụng Tamiflu cũng như tự xét nghiệm tại nhà.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Do đó hiện nhiều người mắc các bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Vi rút cúm có 3 týp khác nhau là A, B, C. Trong đó, loại có độc tính cao nhất là cúm A.

Vi rút cúm A lại có nhiều chủng khác nhau và được gọi tên từ 2 kháng nguyên H và N có trên bề mặt của nó. Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của vi rút cúm A. Vi rút cúm A hiện nay đang lưu hành ở nước ta là vi rút cúm mùa có độc lực thấp, khác với cúm A độc lực cao như cúm gia cầm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A độc lực thấp. Trong năm nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A (H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác với các biểu hiện như: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Do đó khi có dấu hiệu mắc bệnh cúm người dân nên đến các cơ sở y tể để được chẩn đoán và điều trị. Hiện nhiều người có biểu hiện nghi cúm đã tự ý tìm mua những bộ xét nghiệm về cúm cũng như tự ý sử dụng Tamiflu để điều trị bệnh.

Tamiflu là loại thuốc bán theo toa, được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng Tamiflu sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.

Về tự xét nghiệm cúm, các chuyên gia khuyến cáo người dân không tự xét nghiệm vì có thể kết quả sai dẫn đến xử trí bệnh sai… Tại cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định có nên xét nghiệmhay không. Việc xét nghiệm tràn lan không đúng chỉ định vừa gây lãng phí vừa có thể có kết quả không chính xác.

 7 khuyến cáo phòng bệnh cúm:

 1. Khi có dấu hiệu: ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

 2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp vào môi trường xung quanh.

 3. Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà nhất là khi bạn có dấu hiệu mắc bệnh cúm.

 4. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

 5. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

 6. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

 7. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

 

Đăng bởi: Ân Lương

[Trở về]

Các tin khác