Bé gái 12 tuổi nguy kịch vì bệnh lao đã được xuất viện
Ngày đăng: 24/03/2023
Lượt xem: 2461
BS.CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid 19 của bệnh viện cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho bé gái 12 tuổi mắc vi trùng lao, rơi vào nguy kịch.
“Trong quá trình điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bé sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, hệ thống miễn dịch bị suy giảm trầm trọng, khiến bé mắc vi trùng lao (vi trùng cơ hội) tại nhiều cơ quan như phổi, bụng, cơ xương khớp. Bệnh nhân suy hô hấp nặng và vào sốc nhiễm khuẩn, được hỗ trợ thở máy xâm lấn, chống sốc , kháng sinh, kháng lao, vận mạch, chọc màng phổi,…
Sau một tháng điều trị, bé đã được cai máy thở, tỉnh táo và phục hồi gần như hoàn toàn và được xuất viện vào ngày qua (23/3), đây là trường hợp mắc bệnh lao rất nặng, nguy cơ tử vong cao.”, BS Việt cho hay.
Trẻ em là đối tượng có khả năng mắc bệnh lao. Vì vậy, nhân Ngày Thế giới Phòng chống lao, BS.CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19 và BS Nguyễn Trung Bạo của bệnh viện đã có những thông tin liên quan gửi đến quý phụ huynh.
HỎI: Xin bác sĩ vui lòng chia sẻ tổng quan về bệnh lao?
BS: Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vi khuẩn thường tấn công vào phổi, cũng có thể gây tổn thương ở những cơ quan khác như não, tủy, thận và cơ xương khớp.
Dù vậy, không phải ai mang vi khuẩn lao cũng mắc bệnh lao. Những người mang vi khuẩn lao nhưng không gây thành bệnh, gọi là nhiễm lao tiềm ẩn. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Bệnh lao có thể phòng ngừa, bệnh nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể khỏi hẳn.
HỎI: Bệnh lao ở trẻ em có khác biệt gì so với người lớn? Với trẻ em mắc bệnh lao thì mức độ nguy hiểm như thế nào?
BS: Tỷ lệ trẻ em bị bệnh lao mỗi năm chiếm khoảng 15% trong tổng số các ca mới.
Theo đó, trẻ bị bệnh lao có thể có biểu hiện của mọi thể lao tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên phổ biến nhất là lao sơ nhiễm, sau đó là lao phổi, màng phổi, lao màng não và một số thể lao ngoài phổi như lao xương, lao màng bụng, lao hạch, lao ruột ...
Mỗi thể lao có những biểu hiện lâm sàng khác nhau, xảy ra ở những độ tuổi khác nhau. Mức độ phụ thuộc vào cơ địa của trẻ bị bệnh lao, đáp ứng điều trị và lượng vi khuẩn gây bệnh.
Lao sơ nhiễm là dạng lao thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa được tiêm ngừa lao. Triệu chứng bệnh thường mơ hồ, không rõ ràng. Trẻ có thể biểu hiện một hay nhiều triệu chứng của lao sơ nhiễm như: chậm lớn hay sụt cân; hoặc trẻ có thể chỉ có biểu hiện duy nhất là khò khè kéo dài, ho kéo dài tái đi tái lại, khiến trẻ bị chẩn đoán nhầm với bệnh phổi khác. Vì thế, việc đưa trẻ đi khám tầm soát lao khi trẻ có tiếp xúc với người bệnh lao là rất quan trọng. Ngoài ra, các xét nghiệm xác định bệnh bị hạn chế do ít khi tìm thấy vi trùng lao ở trẻ, do hầu hết trẻ nhỏ không khạc được đàm. Xét nghiệm chuyên sâu thì tốn kém và có nhiều nguy cơ.
Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lao sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn, gây ra các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, chậm phát triển, suy kiệt, hoặc có thể gây nhiễm lao ở một số cơ quan khác của cơ thể. Nguy hiểm hơn cả là lao màng não sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ, thậm chí gây tử vong.
Nguyên tắc điều trị bệnh lao ở trẻ em tương tự như việc điều trị bệnh lao ở người lớn. Phác đồ điều trị phối hợp giữa các thuốc kháng lao trong thời gian dài chiếm vai trò chính. Hiệu quả của việc điều trị bệnh lao ở trẻ em phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh. Bệnh lao ở trẻ em được phát hiện sớm, khi chưa có biến chứng hoặc chưa lây lan đến các cơ quan khác sẽ có tiên lượng tốt hơn.
HỎI: Trẻ em có phải là đối tượng dễ lây nhiễm không thưa bác? Và nguyên nhân thường do đâu?
BS:Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh lao. Đối tượng trẻ em sau đây có nguy cơ dễ mắc bệnh lao:
• Những trẻ sống trong gia đình có người thân đang mắc bệnh lao, tiếp xúc nguồn lây hoặc nơi cư trú có yếu tố dịch tễ lao cao;
• Trẻ không được tiếp cận dịch vụ y tế tốt;
• Trẻ có hệ miễn dịch yếu, như bị nhiễm HIV hoặc có các bệnh lý mạn tính khác;
• Trẻ chưa được tiêm ngừa bệnh lao;
• Trẻ đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ làm suy yếu hệ thống miễn dịch như hoá trị liệu hoặc corticosteroid.
HỎI: Các dấu hiệu nào để người nhà nghi ngờ con em mình có thể bị lao? Làm sao để phân biệt giữa lao và các bệnh hô hấp thông thường khác?
BS: Triệu chứng lâm sàng ở trẻ bị bệnh lao thường rất đa dạng. Trẻ bị bệnh lao có thể có những biểu hiện rầm rộ trong những thể lao cấp tính như lao màng não và lao kê. Ngược lại trẻ mắc lao sơ nhiễm lại có những biểu hiện lâm sàng rất mơ hồ. Lao phổi và lao màng phổi có các biểu hiện liên quan đến đường hô hấp như: ho, khạc đờm máu, tức ngực, khó thở, sốt kéo dài, ho khò khè kéo dài tái phát nhiều lần và kém đáp ứng với các điều trị thông thường.
Các thể lao ngoài đường hô hấp có những biểu hiện khác nhau tùy từng cơ quan bị ảnh hưởng. Tóm lại, triệu chứng lâm sàng của bệnh lao đa dạng nhưng không đặc hiệu, và rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Việc tiêm phòng không đầy đủ và tiền sử có tiếp xúc với người nghi ngờ hoặc bị bệnh lao là những yếu tố gợi ý.
HỎI: Bệnh lao có thể di truyền không và người nhà cần lưu ý gì trong quá trình điều trị?
BS: Bệnh lao không phải bệnh di truyền. Nhưng bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp.
Trẻ em khi điều trị bệnh lao cần dùng đúng thuốc, đủ liều và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị bệnh lao thường kéo dài vài tháng theo phác đồ chung của Bộ Y tế. Tùy đáp ứng điều trị mà bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc và thời gian phù hợp, hẹn tái khám định kỳ. Nếu trẻ không tuân thủ điều trị thì bệnh có thể tái phát và vi trùng sẽ kháng thuốc, gây có khăn cho việc điều trị tiếp theo và trẻ có nguy cơ tử vong.
Khi chăm sóc trẻ bệnh lao, người nhà cần cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, cách ly trẻ bệnh, tránh tiếp xúc với chất tiết đường hô hấp của trẻ. Vệ sinh nhà cửa, cần thoáng khí, nhiều ánh sáng. Sau vài tuần điều trị lao đúng phác đồ thì sẽ làm giảm khả năng làm lây bệnh của trẻ.
Xin cảm ơn các bác sĩ!
Là một trong các bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối trên địa bàn thành phố cũng như cả nước. Bệnh viện Nhi đồng 2 thường xuyên tiếp nhận và điều trị trẻ nghi ngờ lao và mắc bệnh lao.
BS Việt cũng khuyến cáo, bệnh lao có thể phòng ngừa bằng thuốc chủng ngừa, tiêm nhắc định kỳ, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao thể trạng, thể dục thể thao, bổ sung vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh lao, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao: người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền nặng. Giáo dục sức khoẻ cho người dân, hướng dẫn các biện pháp tránh lây lan: đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp,… kết hợp tầm soát bệnh lao cho tất cả trẻ em tiếp xúc người nghi hoặc mắc bệnh lao, khi biểu hiện sốt, ho, khò khè kéo dài không đáp ứng điều trị thông thường, nổi hạch,… đặc biệt ở những cơ địa suy dinh dưỡng hoặc hệ miễn dịch suy giảm.
Với chủ đề: "VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO”, của Chương trình Chống lao Quốc gia, khẳng định quyết tâm cao của cộng đồng trong việc đẩy lùi căn bệnh này.
Tại sự kiện Ngày Thế giới phòng chống lao sáng nay (24/3) do bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và USAID tổ chức, BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong bối cảnh đô thị đặc biệt, thành phố chúng ta cùng phối hợp để nâng cao, tuyên truyền đến cộng đồng để cùng thực hiện và phòng chống bệnh lao.
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024