Chủ động phòng ngừa trước biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Ngày đăng: 23/06/2023
Lượt xem: 3324
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột, có thể tạo thành dịch. Bệnh gồm những biểu hiện: sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước, các vị trí thường gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông. Bệnh có những biến chứng vô cùng nguy hiểm mà phụ huynh nên lưu ý. Các thông tin biến chứng được chia sẻ từ BS Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2:
- Biến chứng về não bộ như: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,...
- Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
Người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ biến chứng:
- Sốt cao liên tục khó hạ
- Giật mình nhiều (> 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút)
- Run chi, đi loạng choạng
- Co giật
- Ói nhiều
- Thở nhanh, thở mệt
- Tím tái
- Lơ mơ, hôn mê.
Hiện nước ta chưa có vắc-xin ngừa bệnh tay chân miệng. Để phòng tránh, BS Lưu khuyến cáo những phương pháp dễ áp dụng để hạn chế sự lây truyền như:
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân: nếu trẻ mắc bệnh nên nghỉ học để hạn chế lây cho các bạn cùng lớp.
- Vệ sinh môi trường sống: lau dọn, khử khuẩn bề mặt, vệ sinh đồ chơi
- Rửa tay cho trẻ.
- Người lớn rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ.
- Xử lý phân, dịch tiết tốt đảm bảo vệ sinh cho môi trường sinh hoạt.
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Những điều cần biết về bệnh do não mô cầu 17/12/2024
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024