TICS và chăm sóc tâm lý cho trẻ
Ngày đăng: 18/10/2010
Lượt xem: 21870
Tics là những vận động bất thường ngắn, lặp lại, không đều, đột ngột, từng đợt và không có chủ ý. Có 2 loại Tics, Tics vận động và Tics âm thanh.
Tics vận động chiếm khoảng 80%, thường ảnh hưởng đến các cơ mặt, cổ, vai và mắt dưới dạng: nhắm mắt, nhăn mũi, nhăn mặt, nhún vai, lắc đầu, vặn cổ, há miệng, âm lạ như tiếng khạc…
Tics âm thanh chiếm khoảng 20% bao gồm: ho, phì hơi, đôi khi phát ra những câu nói văng tục, lặp lại lời người khác, lặp lại một vài từ hay câu nói của chính mình.
Bệnh ảnh hưởng ở nam gần gấp 3 lần ở nữ. xảy ra khoảng 20% trẻ ở tuổi đi học. Thường bắt đầu ở lứa tuổi 7 đến 9, thỉnh thoảng xảy ra ở 2 tuổi hoặc 3 tuổi
Các Tics thường xuất hiện không đều đặn theo mẫu nhưng chúng thường xuất hiện bất thình lình hoặc sau stress, có khuynh hướng gia tăng khi đứa trẻ căng thẳng, lo lắng, mệt. Không xảy ra trong lúc ngủ.
Nguyên nhân gây nên Tics : yếu tố cảm xúc, yếu tố gien, yếu tố sinh học, hóa học và những nhân tố thuộc về môi trường. Một số trường hợp xảy ra tics sau chấn thương đầu, viêm não hay đột quỵ.
Chẩn đoán Tics là một chẩn đoán lâm sàng. Các tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm:
1. Biểu hiện bất thường vận động với các tính chất mô tả trên
2. Loại trừ bệnh thần kinh gây giật cơ( dựa vào lâm sàng và điện não)
Điều trị Tics là một quá trình riêng lẻ cho từng cá nhân. Sự giáo dục thích hợp của bệnh nhân, các thành viên trong gia đình và những người chăm sóc là một khía cạnh quan trọng của điều trị Tics.
CHĂM SÓC TÂM LÝ CHO TRẺ TICS
1. Giải thích cho con bạn đầy đủ về vấn đề của trẻ; cố gắng thuyết phục trẻ tham gia vào việc giải quyết vấn đề đó
2. Hạn chế các yếu tố tâm lý gây căng thẳng, lo lắng cho trẻ như học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, vui vẻ…
3. Tránh la mắng, bắt ép trẻ làm theo một mệnh lệnh cứng nhắc, nên chú ý lắng nghe trẻ, sẵn sàng lắng nghe và chia sẽ với trẻ những khó khăn mà trẻ gặp phải
4. Động viên trẻ, tạo niềm tin và sự yên tâm cho trẻ.
5. Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị, chăm sóc và theo dõi trẻ.
Đăng bởi: Khoa Thần kinh
Các tin khác