Bấm vào hình để xem kích thước thật

4 tháng rưỡi nặng 6 kg có còi xương không?

Ngày đăng:  24/03/2011

 
Lượt xem: 340185

Câu hỏi:

 

Kính gởi Các Bác Sĩ!Con Tôi là bé gái, bé sinh thiếu tháng, bé sinh ở tuần tuần thứ 36 , nặng 2.95 kg. Hôm nay bé được 4 tháng rưởi nhưng chỉ nặng 6 kg, cao 60cm. Bé đã biết lật nhưng ngốc đầu chưa cao lắm. Buổi tối bé không quấy khóc. Trong buổi tối uống khoảng 200ml sữa công thức, còn lại bú mẹ khoảng 2-3 lần (mẹ sữa không nhiều lắm). Ban ngày bé bú khoảng 200-250ml sữa công thức +40ml bột ăn dặm (do mẹ đi làm nên bé không bú mẹ ban ngày). Bé có đổ mồ hôi đầu lúc bé bú, và ngủ nhưng không nhiều lắm. Cho hỏi con Tôi như vậy có bị coi là còi xương không? Với số kg như vậy có bị xem là nhẹ cân không?Xin cảm ơn các bác sĩ

VÕ THỊ THANH TUYỀN <vttt092003@yahoo.com>

Trả lời:

 

Chào chị Tuyền

Bé gái 4 tháng rưỡi có chiều cao trung bình 61-65cm. Con chi như vậy là hơi thiếu chiều cao. Với chiều cao của bé, cân nặng 6kg là vừa đẹp, không nhẹ cân. Để bé phát triển chiều cao và cân nặng tối ưu cần cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối. Ở tuổi này, nếu chưa ăn dặm,  lượng sữa mẹ và sữa công thức cho bé mỗi ngày khoảng 900ml là đủ. Chị bắt đầu tập ăn dặm ở tuổi này là hợp lý vì bé có dùng sữa công thức (đối với bé bú mẹ hoàn toàn nên cho ăn dặm từ 6 tháng tuổi). Nên tập cho bé ăn  từ loãng đến đặc dần, từ ít tăng dần để  được 200ml X 2 lần/ngày. Khi này lượng sữa cho bé khoảng 600ml/ngày là đủ. Chị nên theo dõi cân nặng của bé bằng biểu đồ tăng trưởng (thường có in sẵn trong sổ sức khoẻ của bé) để phát hiện sớm bất thường.

Chưa đủ thông tin để chắc chắn bé có còi xương hay không. Bé đổ mồ hôi lúc bú là bình thường vì đây là một hoạt động gắng sức đối với bé. Đổ mồ hôi trộm lúc ngủ, thóp rộng, chậm mọc răng, rụng tóc…ở trẻ không phơi nắng và cũng không bổ sung vitamin D là những biều hiện của còi xương. Nếu bé có những triệu chứng trên, chị nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm.

Để phòng ngừa còi xương, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ canxi, chị nên  cho bé phơi nắng mỗi sáng hoặc bổ sung vitamin D  dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi phơi nắng, cởi bỏ bớt khăn, quần áo để da bé tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, không đứng sau cửa kính. Vitamin D sẽ được tổng hợp tại da dưới tác động của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Nên cho bé phơi nắng sớm trước 8 giờ sáng, đến khi da vừa ửng đỏ, xác định khoảng thời gian phơi, những ngày sau phơi khoảng 1/3 thời gian đó là đủ, thường khoảng 10-30 phút tuỳ mùa, vị trí địa lý…Phơi nắng kéo dài hơn khoảng thời gian trên, tác động của tia cực tím lên cơ thể có hại nhiều hơn có lợi. Phơi nắng mỗi ngày đến khi trẻ lớn, có thể tự chạy chơi, tiếp xúc với ánh nắng. Bổ sung vitamin D thay vì phơi nắng giúp tránh những tác động bất lợi của tia cực tím lên cơ thể. Tuy nhiên, cần theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh quá liều, gây ngộ độc.

Chúc con chi vui khoẻ

Trả lời bởi: BS Nguyễn Hoàng Thanh Uyên

[Trở về]

Các tin khác