Bấm vào hình để xem kích thước thật

CẨN THẬN KHI SỬ DỤNG THUỐC CHỨA CORTICOID

Ngày đăng:  21/03/2013

 
Lượt xem: 44096

Không nên tự ý sử dụng thuốc chứa corticoid một cách bừa bãi mà chỉ nên dùng khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Cách đây vài mươi năm, viên thuốc “hạt dưa” đã trở nên quen thuộc đến mức người dân – nhất là ở các vùng quê – đau gì cũng mua dùng; mà quả là hiệu nghiệm thật, uống vào thấy “hết bệnh” ngay, nhưng khi ngưng dùng thì bệnh tái phát. Loại thuốc này chính là Dexamethasone, nhiều người quen gọi là viên “đề xa”, một loại thuốc corticoid. Tuy nhiên nếu sử dụng các thuốc corticoid bừa bãi sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

 

Trẻ 1 – 2 tuổi thường mắc chứng chàm sơ sinh, ngứa do dị ứng, hăm kẽ háng và nách…, bôi các loại thuốc chứa corticoid có tác dụng rất nhanh, nhiều người coi đó là “thần dược” mà quên tác hại nguy hiểm của nó (khi dùng lâu hoặc diện rộng) như: teo da, rạn da, giãn mao mạch, chậm liền vết thương, bùng phát nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, loạn thần, đục thủy tinh thể, chậm lớn, nấm miệng, viêm tụy, suy giảm miễn dịch… Đã có trường hợp trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi có mụn nước ở ngón tay trỏ, mẹ tự bôi kem chứa corticoid liên tục vài ngày khỏi, nhưng sau đó đầu ngón tay bị hoại tử phải cắt bỏ để cứu bàn tay.

 

Thuốc dạng nước chữa bệnh tai, mắt cũng cần đặc biệt lưu ý khi dùng cho trẻ, có trường hợp cháu bé 9 tuổi dùng thuốc tra mắt có chứa corticoid tra mắt chữa đau mắt đỏ rất hiệu nghiệm. Sau đó hễ đau mắt là cháu lại dùng thuốc này, đến khi cháu nhìn không rõ, mẹ cho đến bác sĩ khám mắt mới phát hiện ra cả hai mắt cháu đã bị đục thủy tinh thể, thị lực chỉ còn 5/10.

 

Vì vậy không được tự ý hoặc nghe người khác mách mà dùng thuốc chứa corticoid cho con trẻ. Khi cần sử dụng thuốc có chứa corticoid cho trẻ nhất thiết phải được bác sĩ khám bệnh kê đơn (dù lần trước dùng thuốc đã có đơn bác sĩ rồi, lần sau muốn dùng cũng phải được bác sĩ khám và chỉ định mới được dùng). Trong thời gian dùng thuốc chứa corticoid theo đơn bác sĩ, cha mẹ vẫn phải theo dõi hàng ngày, nếu có tai biến phải dừng thuốc ngay và đến bác sĩ khám lại.

 

Thuốc có nhiều công dụng điều trị:

 

- Chống viêm ở giai đoạn sớm, giai đoạn muộn bất kể nguyên nhân gì như cơ học, hóa học, nhiễm khuẩn, dị ứng. Chỉ riêng với đặc tính này, thuốc cũng đã trị được nhiều loại bệnh như viêm khớp do thấp khớp, bệnh thoái hóa khớp, viêm các khớp ngoại vi, những tình trạng bệnh lý do chấn thương khớp, trị sẹo lồi, sẹo phì đại (khoa da), trị viêm phần trước mắt (khoa mắt), trị viêm mũi (khoa tai mũi họng)…

 

- Chống dị ứng: dùng điều trị trong các bệnh dị ứng da, dị ứng đường hô hấp, hen suyễn nặng…

 

- Ngoài ra còn nhiều chỉ định chuyên môn khác do tác dụng đa dạng của thuốc như bệnh da pemphigut, vảy nến, bệnh giảm tiểu cầu thứ phát vô căn của người lớn, bệnh thiếu máu tán huyết do tự miễn…

 

Chính vì đa công dụng như thế nên nhiều người đã lầm tưởng rằng thuốc corticoid là loại thần dược trị được bá bệnh.

 

Việc lạm dụng corticoid sẽ gây rất nhiều tác hại cho người dùng. Nhiều loại kem trị mụn chứa corticoid nếu dùng dài ngày sẽ làm mụn nổi nhiều hơn khi ngưng thuốc hoặc gây nám da mặt.

 

Dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (tưởng nhầm là thuốc rửa trong mắt, giúp mắt sáng long lanh) sẽ dẫn đến đục thủy tinh thể, thấy cảnh vật mờ mờ ảo ảo…

 

Những tai biến chính do lạm dụng corticoid :

 

- Tăng cân do giữ natri, đào thải kali gây béo bệu, mặt tròn như mặt trăng.

 

- Làm cao huyết áp, tăng đông máu có thể gây nghẽn mạch.

 

- Chậm liền sẹo các vết thương và dễ gây nhiễm khuẩn thứ phát.

 

- Làm thoái biến protid nên dễ gây teo cơ.

 

- Làm xương xốp do giảm hấp thu calci nên khi té ngã dễ bị gãy xương.

 

- Làm loét dạ dày – tá tràng, dễ gây xuất huyết tiêu hóa.

 

- Ức chế miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể.

 

- Làm tăng tiết mồ hôi, co giật, tăng áp lực nội sọ, rối loạn kinh nguyệt, ảo giác, vui vẻ thái quá, tăng nhãn áp.

 

Đấy là lý do vì sao thuốc corticoid nhất thiết cần có chỉ định điều trị của bác sĩ.

 

TỔNG HỢP

 

Đăng bởi: DS. Nguyễn Hoàng Thanh Tuyền

[Trở về]

Các tin khác